Nguy cơ Trung Quốc tấn công đảo Guam

Trung Quốc chế tạo tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung có khả năng đe dọa đảo Guam. Tuy nhiên, nguy cơ Trung Quốc tấn công đảo Guam được đánh giá là thấp.

Báo Washington Free Beacon đưa tin ngày 10-5 (giờ địa phương), Ủy ban Xem xét an ninh và kinh tế Mỹ-Trung (trực thuộc Quốc hội Mỹ) đã công bố báo cáo ghi nhận như trên.

Đảo Guam là đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, trục trung tâm của chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á. Tại đây tập trung các lực lượng hải quân và không quân lớn của Mỹ, trong đó có tàu ngầm tấn công, máy bay ném bom chiến lược, máy bay không người lái tầm xa.

Báo cáo nêu sáu tên lửa từ Trung Quốc đủ tầm tấn công đảo Guam đã được Trung Quốc triển khai hoặc đang trong giai đoạn phát triển cuối. Trong đó, DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường đầu tiên của Trung Quốc có thể bay đến đảo Guam.

Tên lửa DF-26 còn được gọi là “sát thủ đảo Guam” có thể mang đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường.

Pháo đài bay B-52H bay trên đảo Guam. Ảnh: USAF

Báo cáo ghi nhận Trung Quốc đã trình làng tên lửa DF-26 trong cuộc diễu binh vào tháng 9-2015, như vậy Trung Quốc có thể sẽ triển khai DF-26 thành vũ khí tác chiến.

Ngoài ra còn có một số loại tên lửa mới của Trung Quốc có thể bắn tới đảo Guam như một loại tên lửa DF-26 chống tàu cải tiến, tên lửa hành trình chống tàu, tên lửa đất đối không phóng từ biển.

Về điểm yếu của tên lửa Trung Quốc, báo cáo nhận xét tên lửa DF-26 chưa phải là vũ khí tấn công chính xác nhưng cần lưu ý vấn đề triển khai hàng loạt, còn loại DF-26 cải tiến thì chưa được bắn thử nghiệm chống tàu ngoài biển.

Một vấn đề đáng lo ngại đã được báo cáo nêu ra là tình hình quân đội Trung Quốc tăng cường các tàu thu thập tin tình báo hàng hải gần đảo Guam.

Báo cáo nêu: “Các tàu này có thể được trang bị để thu thập tín hiệu tình báo và lập bản đồ nền đáy biển. Điều này cho thấy hải quân Trung Quốc có thể chuẩn bị cho các chiến dịch hải quân thường xuyên hơn ở xung quanh đảo Guam trong tương lai gần”.

Báo cáo đã đề nghị Mỹ cần củng cố các cơ sở quân sự ở đảo Guam để đối phó các vụ tấn công bằng tên lửa, phát triển tên lửa tiên tiến và xem xét lại hiệp ước Mỹ-Nga năm 1987 về vũ khí hạt nhân tầm trung (hạn chế Mỹ chế tạo tên lửa đạt tầm bắn 300-3.000 dặm).

Chuyên gia Rick Fisher ở Trung tâm Chiến lược và Thẩm định quốc tế nhận xét báo cáo nêu trên là lời cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ cứ ảo tưởng một Trung Quốc mạnh là điều tốt cho nước Mỹ và thế giới, đồng thời quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ không gây ra đe dọa nào.

Chuyên gia Larry Wortzel, thành viên Ủy ban Xem xét an ninh và kinh tế Mỹ-Trung, nhận định khi nhắm đến đảo Guam, Trung Quốc muốn cản trở chính sách tái cân bằng ở châu Á của Mỹ.

Ông lưu ý quân đội Trung Quốc chủ trương phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo thông thường mới nhưng cố giữ xung đột dưới ngưỡng hạt nhân.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull thông báo trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama sáng 12-5, ông đã tiếp tục khẳng định ủng hộ tự do hàng hải và tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry loại trừ sự kiện tàu khu trục USS William P. Lawrence tuần tra gần đá Chữ Thập là tín hiệu dành cho Trung Quốc trước chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama. Ông nói: “Đây không phải là chiến lược có tính toán mà chỉ là duy trì tiến trình thông thường về thực hiện tự do hàng hải”.

_______________________________

Bộ Quốc phòng đang tiếp tục giám sát chương trình tên lửa và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc đã có lưu ý đến động thái Bắc Kinh triển khai tên lửa nhắm đến đảo Guam.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc BILL URBAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm