Nguy cơ lây COVID-19 từ các sân vận động châu Âu

Theo thông tin từ hãng Reuters, ngày 1-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra thông báo cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 thứ ba tại châu Âu.

Tuần trước, trung bình số ca nhiễm mới ở 53 nước châu Âu đã tăng 10% sau 10 tuần liên tiếp ghi nhận đà giảm. Nguyên nhân tăng, theo WHO là sự tổng hòa của nhiều yếu tố nguy cơ: Biến thể Delta hoành hành ngày càng mạnh, trong khi đó các nước đã và đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch và nguy cơ từ sự kiện thể thao giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020.

Cổ động viên tụ tập bên ngoài sân vận động ở Amsterdam. Ảnh: DW

Sự kiện “siêu lây nhiễm”?

Nguy hiểm hơn, WHO cảnh báo một làn sóng lây nhiễm mới là khó tránh khỏi với hàng loạt nguy cơ như hiện tại.

Thời điểm dịch lắng, hàng loạt nước châu Âu nới lỏng các hạn chế, các hoạt động đi lại, tụ tập, gặp gỡ theo đó gia tăng. Điều này rất đáng ngại trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 - vốn có khả năng lây nhiễm mạnh - đang lan rất nhanh. Bên cạnh đó, WHO đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ từ các sân vận động, các tiệm rượu, quán bar ở các TP đăng cai sự kiện thể thao Euro 2020.

Euro 2020 được tổ chức ở 11 TP tại 10 nước châu Âu. Những ngày qua, cảnh thường được thấy trên truyền hình là các sân vận động chật kín cổ động viên không mang khẩu trang đến xem và cổ vũ. Tại Copenhagen, Munich, Budapest và nhiều nơi khác, rất đông cổ động viên đứng san sát nhau và chật cứng các khán đài - những hình ảnh dường như rất lạ lẫm với phần đông còn lại của thế giới vốn đã 18 tháng chống chọi với đại dịch, theo đài DW.

Phân tích sâu hơn, bà Catherine Smallwood - quản lý các vấn đề khẩn cấp thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu cảnh báo rằng những hình ảnh này chỉ là bề nổi, mà “chúng ta phải nhìn xa hơn chỉ các sân vận động”. Đằng sau đó, bà cho là “cần nghĩ tới cách mọi người đến đó, họ có di chuyển trong những đoàn xe buýt đông đúc hay không, rồi khi rời sân vận động thì họ có đi vào các quán bar và quán rượu đông đúc không?”. Theo bà, “chính những sự kiện nhỏ liên tục này đang thúc đẩy sự lây lan của virus”.

Theo GS William Schaffner về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Vanderbilt (Mỹ) và nhà nghiên cứu về khí dung người Đức - ông Gerhard Scheuch cũng cho rằng bên cạnh nỗi lo sân vận động thì còn nỗi lo khác lớn hơn khi trước và sau mỗi trận đấu, hàng chục ngàn cổ động viên chen chúc nhau trên xe buýt, tàu lửa, máy bay để đến và rời khỏi các TP tổ chức trận đấu. Chưa kể trong những ngày ở lại, họ liên tục tụ tập tiệc tùng ở khách sạn, quán bar.

Khi được hỏi liệu giải Euro 2020 có phải là một sự kiện “siêu lây nhiễm” hay không, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nói ông “hy vọng không… nhưng nó không thể loại trừ”.

Scotland hôm 30-6 cho biết trong số 1.991 ca nhiễm ghi nhận gần đây thì 2/3 cho biết họ có đến London để xem trận bóng giữa đội tuyển Anh và Scotland trong ngày 18-6. Tại Đan Mạch, đã có nhiều cổ động viên cho xét nghiệm dương tính với biến thể Delta sau khi vào sân vận động xem trận đấu giữa đội chủ nhà và đội Bỉ. Nhà chức trách sau đó đã đề nghị 4.000 khán giả có đến sân vận động xem trận này đi xét nghiệm. Tới lúc này, số ca nhiễm được ghi nhận nhiều nhất xuất phát từ việc đến sân vận động xem bóng đá trực tiếp là trận giữa Phần Lan và Bỉ diễn ra ở St. Petersburg (Nga). Theo truyền thông Phần Lan thì có ít nhất 86 ca nhiễm từ những người trở về từ Nga.

Cửa sổ cơ hội

WHO cảnh báo khả năng sẽ xuất hiện một đợt bùng phát mới vào mùa thu này và kêu gọi tăng giám sát các trận đấu ở giải Euro 2020, theo báo Guardian.

Ông Kluge nói WHO “chắc chắn lo ngại” về khả năng giải Euro 2020 sẽ giúp biến thể Delta - vốn đã có mặt ở 33/53 nước châu Âu, kể cả nhiều nước và TP tổ chức giải đấu - lan truyền nhanh hơn nữa. Nguy hiểm hơn, ông Kluge cảnh báo rằng biến thể Delta không chỉ làm tăng lây lan mà còn làm tăng số người nhập viện và tử vong.

Viễn cảnh mà ông Kluge lo ngại là khả năng đến tháng 8, Delta sẽ là biến thể chủ đạo ở châu Âu, mà vaccine chưa được phủ sóng đầy đủ, trong khi đó hầu hết biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc ba điều kiện để “một làn sóng mới nhập viện và tử vong” - các biến thể mới, tiêm vaccine không đủ, tăng tiếp xúc xã hội - đều có đủ, theo ông. Vì thế, ông cảnh báo rằng “một làn sóng mới sẽ đến trừ khi chúng ta tiếp tục duy trì kỷ luật”.

Bà Smallwood nhấn mạnh rằng châu Âu giờ vẫn còn “cửa sổ cơ hội” trong bối cảnh ở nhiều nước vẫn còn tồn tại đà giảm số ca nhiễm. Điều tối quan trọng là nhà chức trách các địa phương phải không ngừng thực hiện việc đánh giá rủi ro y tế công cộng, từ đó ra các quy định phòng dịch phù hợp.

Theo bà, tại các nước nơi số ca nhiễm đang tăng, các chính phủ không nên dỡ bỏ các biện pháp xã hội, hoặc nếu có làm thì phải tăng cường các biện pháp y tế công cộng. Cần thiết phải tiếp tục đầu tư vào xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, hành động nhanh chóng, có mục tiêu, chiến lược cụ thể và đặc biệt không được quên “vaccine, vaccine, vaccine”.•

63% người dân châu Âu vẫn chưa được tiêm mũi vaccine nào, nửa số người lớn tuổi và 40% lượng nhân viên y tế vẫn chưa được vaccine bảo vệ, theo lời ông KLUGE và ông cho đây là điều “không thể chấp nhận”. 

 UEFA bị chỉ trích

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer chỉ trích cơ quan quản lý bóng đá châu Âu UEFA đã có quyết định “hoàn toàn vô trách nhiệm” khi cho phép tập trung các đám đông quy mô lớn tại giải Euro 2020.

Trao đổi với Reuters, UEFA khẳng định các biện pháp được thực hiện tại các địa điểm đăng cai “hoàn toàn phù hợp với các quy định do các cơ quan y tế công cộng có thẩm quyền tại địa phương đưa ra”.

Giải UEFA Euro 2020 đã đi qua hơn 2/3 chặng đường. Theo DW, các trận bán kết và chung kết sẽ diễn ra ở sân Wembley (London) với 75% khán giả, tức chỉ 1/4 số ghế bị chừa lại, quá ít để duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm