Người Việt tại Thụy Sĩ: Giá gạo tăng nhưng không lo lắm

Nhìn chung, giá lương thực, thực phẩm tại Thụy Sĩ vẫn giữ nguyên. Chính phủ Thụy Sĩ luôn kiểm tra chặt chẽ giá cả mọi mặt hàng nhằm bảo đảm kinh tế trong nước ổn định.

Coop, Migro và Denner (ba nhà phân phối thực phẩm lớn nhất Thụy Sĩ) mới thông báo vài chính sách về giá. Coop và Denner cho biết trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục giữ nguyên giá gạo như trước đây đến khi nào có thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trái lại, bắt đầu từ tháng 5 tới, Migro sẽ tăng mỗi kg gạo 10-20 xu (*).

Ấn Độ có tỷ trọng sản xuất gạo nhiều nhất thế giới đã không xuất khẩu gạo nữa để bảo vệ quy trình cung cấp lương thực trong nước. Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương ngừng xuất khẩu gạo đến cuối tháng 6. Vì vậy, Migro và Coop đang tìm kiếm những nơi khác có thể cung cấp mặt hàng gạo cho Thụy Sĩ.

Hai tuần trước, giá gạo ở Thụy Sĩ vẫn còn 27 franc một bao 25 kg. Một tuần sau đó, giá đã tăng lên 38 franc một bao, tức tăng gần 41%. Báo chí Thụy Sĩ dự đoán giá gạo sẽ còn tăng vào tuần sau khoảng từ 85% đến 122%, tức tăng gấp hai, ba lần so với giá cũ. Giá gạo tăng kéo theo giá các mặt hàng gia công bằng bột gạo cũng sẽ tăng.

Thực ra đối với người dân Thụy Sĩ, giá gạo tăng không ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ vì người châu Âu tiêu thụ chủ yếu là bột mì (bánh mì, mì sợi, miếng...) chứ không như người châu Á là gạo và bột gạo.

Tuy nhiên, giá gạo tăng thì người Việt lại bị ảnh hưởng. Mấy ngày nay, người Việt tại Thụy Sĩ đã đổ xô đi mua gạo về dự trữ. Cũng bởi tâm lý dự trữ gạo vì sợ thiếu, đó có thể trở thành động lực cho các siêu thị châu Á có lý do để tăng giá gạo lên nữa.

Hôm qua, tại một bữa ăn nhỏ ở nhà một chị người Việt, mọi người phân tích lý do và hậu quả của giá gạo tăng. Đa số xoay quanh việc người nông dân châu Á không được hưởng lợi nhiều từ luống cày của họ.

Giá xăng, dầu cứ tăng cao mà chưa có biện pháp để giải quyết ổn thỏa nên kéo theo giá cả thị trường tăng theo kiểu lạm phát. Do lạm phát giá cả nhà đất, một số nông dân bán ruộng đất để kiếm ngay một khoản tiền lớn. Một số khác bỏ ruộng đất trống vì không đủ khả năng chi trả thêm cho nhiên, vật liệu cung cấp cho vụ mùa.

Cuối cùng, đa số chính phủ các nước châu Á chưa có phương án đầu tư để bảo vệ cuộc sống nông dân trong khi họ luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thời giá.

Đối với người Việt ở châu Âu, giá gạo tăng luôn có cách giải quyết vì họ chỉ sử dụng 10%-20% thu nhập hàng tháng cho lương thực. Nhưng với người lao động ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, giá cả tăng có thể trở thành một vấn đề lớn hay có thể gọi là thảm họa.

Chính phủ Thái Lan thông báo chuẩn bị bán ra thị trường toàn bộ kho dự trữ gạo 2,1 triệu tấn với giá rẻ hơn giá thị trường khoảng 20%. Tiền bán gạo sẽ được dùng để mua gạo nhập kho dự trữ. Thời gian bán gạo bắt đầu trong hai tuần nữa cho đến cuối năm nay.

Gạo đóng bao có ghi dòng chữ Chương trình công cộng Cờ xanh, được phân phối thông qua cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương chứ không bán trong cửa hàng, siêu thị.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Mingkwan Sangsuwan cho biết chính phủ rất cảnh giác với nạn đầu cơ gạo và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Thái Lan ước tính vụ mùa tới bắt đầu từ tháng 8 sẽ đạt 20 triệu tấn, trong đó chín triệu tấn dùng để xuất khẩu, 11 triệu tấn để tiêu thị nội địa.

Ngày 29-4, Bộ Thông tin và truyền thông Sierra Leone cũng đã thông báo, Ấn Độ đã chấp thuận bán cho Sierra Leone 2.000 tấn gạo. Đây là kết quả có được sau cuộc trao đổi riêng giữa tổng thống Sierra Leone và thủ tướng Ấn Độ. Từ đầu tháng 4, Ấn Độ đã hoàn toàn ngưng xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

HOÀNG DUY (Theo le Monde, thailande.fr)

ĐỖ TIÊN (Cộng tác viên từ Thụy Sĩ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm