Người Thái Lan đòi Quốc vương từ bỏ tài sản hàng chục tỉ USD

Hôm 25-11, hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ở Thái Lan, kêu gọi Quốc vương Maha Vajiralongkorn nhường lại quyền kiểm soát khối tài sản hoàng gia trị giá hàng chục tỉ USD.

Theo hãng tin Reuters, đây là diễn biến mới nhất trong các cuộc biểu tình chống chế độ quân chủ kéo dài nhiều tháng qua ở đất nước chùa Vàng.

Những người xuống đường đã phá vỡ điều cấm kỵ bấy lâu nay khi chỉ họ trích nhà vua. Hôm 24-11, cảnh sát đã triệu tập nhiều thủ lĩnh biểu tình nổi tiếng nhất về tội danh xúc phạm chế độ quân chủ, vốn có thể bị kết án lên đến 15 năm tù.

Một thủ lĩnh biểu tình Thái Lan đứng trên xe phát biểu ngày 25-11. Ảnh: REUTERS

Cuộc biểu tình ban đầu đã được lên kế hoạch tại Cục Tài sản Vương miện – tức cơ quan quản lý tài sản hoàng gia. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát dựng hàng rào bao quanh địa điểm này, những người biểu tình kéo đến tập hợp bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam.

Quốc vương Rama X sở hữu 23% cổ phần trị giá hơn 2,3 tỉ USD ở ngân hàng Siam, khiến ông trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng lớn nhất này của Thái Lan.

Một tấm biểu ngữ phản đối có ghi hàng chữ: “Người dân đòi lại tài sản quốc gia từ tay nhà vua”. Cảnh sát ước tính có khoảng 8.000 người tham gia biểu tình ngày 25-11.

Hoàng gia Thái Lan không bình luận từ khi biểu tình bắt đầu, nhưng khi được hỏi về những người biểu tình gần đây, Quốc vương Maha Vajiralongkorn nói những người biểu tình cũng được yêu thương như tất cả các thần dân khác.

Một số người chế nhạo lời phát biểu đó của nhà vua, sau khi nhiều người bị triệu tập về tội xúc phạm hoàng gia, trong khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hồi tháng 6 tuyên bố luật phạm thượng không được sử dụng, theo yêu cầu của nhà vua.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án việc áp dụng luật phạm thượng, xúc phạm hoàng gia. Các nguồn tin cảnh sát cho biết có đến 15 lãnh đạo biểu tình đang bị truy tố về tội danh này.

Đáp lại những lời chỉ trích, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan - bà Rachada Dhnadirek cho biết: “Chính phủ đã cởi mở với các quyền và tự do mặc dù có nhiều biểu hiện thiếu thận trọng, xúc phạm đa số”.

Kể từ tháng 7, những người biểu tình đã kêu gọi loại bỏ ông Prayut, một cựu lãnh đạo quân đội. Ông này bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã thiết kế cuộc bầu cử năm ngoái để duy trì quyền lực mà ông đã nắm giữ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Những người biểu tình tìm cách buộc nhà vua phải chịu trách nhiệm nhiều hơn theo hiến pháp cũng như đảo ngược các thay đổi đã cho phép cá nhân nhà vua kiểm soát một số đơn vị quân đội và tài sản của hoàng gia ước tính trị giá hơn 30 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm