Người Pháp ở nước ngoài đi bầu cử tổng thống sớm

Người Pháp ở nước ngoài đi bầu cử tổng thống sớm ảnh 1
Người Pháp đi bỏ phiếu bầu tổng thống ở thành phố Sydney, Australia. Ảnh: AFP
Theo AFP, gần 15.000 người Pháp đủ điều kiện để đi bỏ phiếu tại 8 điểm trên khắp Australia, trong khi khoảng 5.000 người dự kiến sẽ thực hiện quyền công dân tại Wellington, Auckland và Christchurch ở New Zeland. Trong khi đó, từ hôm qua, những người Pháp đang sống và làm việc tại Brazil, Uruguay và Argentina cũng bắt đầu đi bầu cử nhằm tăng số lượng cử tri khi các điểm bỏ phiếu ở Pháp 8h sáng giờ địa phương mới mở cửa. 85.000 điểm bỏ phiếu trên khắp nước Pháp hầu hết sẽ đóng cửa vào 18h giờ địa phương. Những điểm bầu cử các thành phố lớn sẽ hoạt động đến 20h và kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông vào lúc đó. Ở Pháp, các tổ chức thăm dò kết quả được phép lấy mẫu từ các hòm phiếu trong suốt quá trình bầu cử nên kết quả sơ bộ được công bố tối nay sẽ phản ánh gần như chính xác kết quả cuối cùng của cuộc đua. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng một bao gồm 10 ứng cử viên. Nếu không có ứng viên nào giành đủ 50% số phiếu ủng hộ trong vòng đầu tiên này thì hai ứng viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất sẽ gặp nhau trong vòng hai diễn ra vào 6/5 tới. Người về nhất trong cuộc đấu một đối một này cũng phải giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới để củng cố vị trí lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, bất kỳ lãnh đạo Pháp nào có phần đa số ghế trong nghị viện đều rộng đường để chiến thắng trong cuộc đua này. Ứng viên đảng Cánh tả xã hội (PS) Francois Hollande và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, đại diện đảng Cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang là hai đối thủ nặng ký nhất. Ba ứng cử viên khác cũng đạt được tỷ lệ người ủng hộ cao bao gồm ứng cử viên Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên của Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen và ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung. Trong tình hình đất nước đang khốn đốn vì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và tỷ lệ thất nghiệp chạm mốc cao nhất trong 12 năm thì vấn đề kinh tế và tài chính công là quan tâm hàng đầu của các cử tri trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của 10 ứng viên. Tại Sydney, công dân Pháp đã xếp hàng dài bên ngoài Alliance Francaise, một trong 3 điểm bỏ phiếu của thành phố. "Tôi đã bỏ phiếu cho Jean-Luc Melenchon. Ông ấy là người duy nhất đặt nền kinh tế vào dịch vụ xã hội chứ không phải ngược lại", một kĩ sư phần mềm nói. Một nhân viên khách sạn ở Sydney thì cho biết anh đã bỏ một phiếu cho Tổng thống Sarkozy. "Ông ấy cam kết chính phủ sẽ trả chi phí học tập cho học sinh, điều này sẽ rất có lợi cho con gái tôi. Thêm nữa, ông ấy không muốn đánh thuế những người Pháp ở nước ngoài đang sở hữu bất động sản ở quê nhà". Dù không có kinh nghiệm chính trường, ông Hollande, 57 tuổi, vẫn dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò và có lợi thế giành chiến thắng trong cuộc đấu một đối một diễn ra vào 6/5 tới. Ứng viên cánh hữu Sakorzy, cũng 57 tuổi, có thể thu hẹp khoảng cách với ông Hollande trong vòng đầu bằng chiến dịch tranh cử tập trung vào các vấn đề như an ninh và nhập cư. Tuy nhiên, phong cách cá nhân của ông và cách ông điều khiển nền kinh tế đã khiến nhiều cử tri quay lưng sau nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông. Khoảng 45 triệu người Pháp đã đăng ký đi bầu nhưng các nhà thăm dò ý kiến cho hay chiến dịch tranh cử của các ứng viên không nắm bắt được mấy mong muốn của người dân, do đó, số lượng cử tri đi bầu dự kiến sẽ không cao.
Theo Anh Ngọc ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm