Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố rắn về Trung Quốc, Nga, Triều Tiên

Theo tờ South China Morning Post, trong cuộc phỏng vấn với đài NBC News hôm 31-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích Trung Quốc, Nga và cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Blinken chỉ trích Trung Quốc gay gắt về các hành động của chính quyền nước này ở Hong Kong. Ông Blinken nói rằng Trung Quốc đã có những hành động phá hoại Hong Kong nghiêm trọng và Mỹ nên mở rộng vòng tay đối với những người chạy trốn khỏi thành phố này.

Bên cạnh đó, về vấn đề COVID-19, ông Blinken gọi đây là một "vấn đề nan giải" và lên án Trung Quốc thiếu minh bạch. Ông cho rằng Bắc Kinh đang gây khó dễ trong việc cho phép các chuyên gia đến các địa điểm liên quan đến nơi khởi phát dịch COVID-19.

Nói về Nga, ông Blinken tỏ ra "quan ngại sâu sắc trước cuộc đàn áp bạo lực" nhằm vào những người biểu tình Nga hôm 31-1 và những vụ bắt giữ những người đòi chính quyền trả tự do cho nhân vật đối lập Alexei Navalny. Hơn 5.000 người đã bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc biểu tình quy mô lớn hôm 31-1. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Ông Blinken nói trong cuộc phỏng vấn rằng “chính phủ Nga đã mắc sai lầm lớn” nếu tin rằng cuộc biểu tình là do Mỹ. Ông cho rằng biểu tình là “sự thất vọng của người dân Nga trước nạn tham nhũng, với chế độ chuyên quyền” và nước Nga nên nhìn nhận lại nội bộ chứ không phải đổ lỗi cho bên ngoài.

Tuy nhiên, ông Blinken đã không nhắc đến việc liệu Mỹ có đưa các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow hay không.

Ngoài ra, ông cho biết ông đang xem xét lại phản ứng đối với các hành động chống lại ông Navalny, sự can thiệp bầu cử Nga vào năm 2020, vụ tấn công mạng SolarWinds và cáo buộc Nga treo tiền thưởng để giết lính Mỹ ở Afghanistan.

Đáp lại lời bình luận của Ngoại trưởng Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1-1 cho biết Moscow không quan tâm đến bình luận của ông Blinken và cảnh báo Washington không nên áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào.

Về vấn đề Triều Tiên, ông Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông nói rằng các công cụ khác bao gồm các ưu đãi ngoại giao cũng sẽ được sử dụng, mặc dù ông không nói rõ là ưu đãi gì.

Về Iran, ông Blinken cho rằng Iran phải mất nhiều tháng nữa mới có khả năng sản xuất vật liệu phân hạch cần thiết cho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông nói rằng việc này có thể chỉ mất vài tuần nếu Iran tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm