‘Ngoại giao thế vận hội’ hạ nhiệt Triều Tiên

Những ngày đầu năm 2018, thế giới đang nhìn thấy những chuyển biến tích cực về tình hình bán đảo Triều Tiên. Sự kiện Thế vận hội mùa đông 2018 tổ chức tại PyeongChang, Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2 năm nay đã tạo cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao, khôi phục đối thoại trên bán đảo Triều Tiên. Cả Bình Nhưỡng và Seoul dường như đều không muốn để lỡ “chuyến tàu” PyeongChang.

Khôi phục đường dây nóng

Ngày 3-1, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ mở lại đường dây liên lạc liên Triều tại Bàn Môn Điếm vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày (giờ địa phương), hãng tin Yonhap dẫn lại thông tin của Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên. Ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên (CPRK - cơ quan chuyên trách các vấn đề liên Triều), đưa ra thông báo: “Thực hiện đúng theo quyết định của lãnh đạo, chúng tôi sẽ thiết lập liên lạc sát sao với Hàn Quốc một cách chân thành và trung thực. Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề cấp sự vụ liên quan đến khả năng cử phái đoàn vận động viên Triều Tiên”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh việc Triều Tiên mở lại đường dây nóng, hướng tới duy trì liên lạc trực tiếp và thường xuyên giữa hai nước, Thư ký báo chí của Tổng thống Moon- ông Yoon Young-chan cho biết. Trong khi đó, theo lãnh đạo của CPRK, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng “đánh giá rất cao và hoan nghênh” sự ủng hộ của ông Moon trước đề nghị cải thiện quan hệ của Bình Nhưỡng. “Lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ liên Triều có tiến triển hay không là tùy vào Triều Tiên và Hàn Quốc” - ông Ri Son-gwon cho biết.

Ông Ri không tiết lộ cụ thể liệu Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận ngày hẹn đối thoại trực tiếp của Seoul. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã đề xuất hai bên tổ chức đối thoại chính thức vào ngày 9-1 nhưng cũng khẳng định Seoul mong muốn đối thoại “bất kể thời gian, địa điểm và hình thức” nào mà phía Bình Nhưỡng đề nghị.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hoan nghênh việc Triều Tiên nối lại đường dây nóng. Ảnh: GETTY

Đường dây nóng liên Triều tại Bàn Môn Điếm đã bị “đóng băng” từ tháng 2-2016. Ảnh: GETTY

“Ngoại giao thế vận hội” có thành công?

Các phản ứng của Triều Tiên kể từ đầu năm 2018 đến nay được phía Hàn Quốc đánh giá là có nhiều triển vọng tích cực. Ông Lee Hee-beom, lãnh đạo ủy ban tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018, cho biết tỉnh PyeongChang đã “chuẩn bị trong một thời gian dài” cho việc Triều Tiên có thể tham gia sự kiện thể thao trọng đại này. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho trường hợp Triều Tiên gửi vận động viên, đội cổ động viên và nhân viên hỗ trợ phái đoàn đến Hàn Quốc” - ông Lee cho biết trong bài phát biểu tại sân vận động PyeongChang ngày 3-1. “Ủy ban Thế vận hội quốc tế cũng nhiều lần cho biết sẽ hỗ trợ Triều Tiên tham dự” - ông Lee tiết lộ. Chính quyền tỉnh PyeongChang thậm chí đã bày tỏ ý định điều động một du thuyền để đưa đón đoàn vận động viên nước láng giềng trong trường hợp Triều Tiên thật sự tham gia kỳ thế vận hội năm nay, theo Yonhap.

Bên cạnh những hy vọng sự kiện thể thao quốc tế tháng 2 tới sẽ giúp quan hệ liên Triều được cải thiện, cũng có những nhận định hoài nghi trước diễn biến “ngoại giao thế vận hội” trên bán đảo Triều Tiên. Viết trên tờ South China Morning Post (SCMP), nhà báo chuyên về các vấn đề Triều Tiên Donald Kirk cho rằng Tổng thống Moon có thể thúc đẩy quá trình cải thiện quan hệ liên Triều nhưng vẫn cần ưu tiên cải thiện năng lực quốc phòng. Ông lập luận rằng trong quá khứ thông điệp hòa bình từ các kỳ thế vận hội đã không đủ để thuyết phục Triều Tiên nhượng bộ và với tình hình hiện nay, khi Triều Tiên đã có trong tay vũ khí hạt nhân thì tình hình thậm chí còn khó khăn hơn. Theo Donald Kirk, nếu như Hàn Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các cuộc tập trận, Triều Tiên sẽ không những từ chối tham dự thế vận hội mà còn tiến hành thêm các đợt thử tên lửa.

Trong khi đó, ông Thae Yong-ho, một quan chức ngoại giao Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2016, lại cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách làm suy yếu sự hợp tác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. “Ông Kim có lẽ đang có dự định làm lung lạc Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc, những bên chủ chốt trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông nhắm đến chia rẽ sự hợp tác của họ đối với các lệnh trừng phạt quốc tế” - ông Thae trả lời hãng tin Yonhap.

Nhà ngoại giao đào tẩu của Triều Tiên Thae Yong-ho cũng chỉ ra ba điểm chính trong thông điệp đầu năm mới của ông Kim Jong-un. Ba thông điệp đó là: Mở lời với Seoul, đặt ra mối đe dọa hạt nhân với Washington và chấp nhận đề xuất “đóng băng kép” của Bắc Kinh. Trong giai đoạn bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng giữa năm 2017, Trung Quốc và Nga đã cùng đưa ra đề xuất “đóng băng kép” với Triều Tiên tạm ngưng chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm ngưng tập trận chung.

________________________

23 tháng đã trôi qua kể từ khi Triều Tiên “cắt” hai kênh liên lạc Triều Tiên - Hàn Quốc, gồm một đường dây nóng quân sự và một đường dây nóng ở phòng liên lạc tại Bàn Môn Điếm. Triều Tiên ngưng sử dụng đường dây nóng vào tháng 2-2016 để phản đối việc Hàn Quốc cho ngưng hoạt động khu công nghiệp hợp tác liên Triều Kaesong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm