Ngớ ngẩn ngồi tù vì công nghệ

“Tôi đúng là một thằng ngu”

Hôm đó, Thompson đến tòa án để ủng hộ tinh thần cho người bạn bị kết tội cướp một sĩ quan cảnh sát. Được biết, vụ cướp này khá kinh hoàng. Bị cáo đã phục kích và kê súng vào đầu nạn nhân, sau đó kéo lê nạn nhân trên mặt đất, che mắt nạn nhân và tấn công bạo lực.

Tại tòa, Thompson ngồi phía sau nạn nhân của vụ cướp và nhân viên tòa án. Bỗng dưng anh nhận được tin nhắn của bạn gái hỏi xem anh đang ở đâu. Do không thể gọi điện trả lời, anh bèn giơ chiếc điện thoại BlackBerry của mình ra để chụp một tấm ảnh của phòng xử án rồi gửi ảnh đó cho bạn gái mình.

Ngớ ngẩn ngồi tù vì công nghệ ảnh 1

Vận dụng công nghệ không đúng chỗ nên có người phải trả giá bằng hình phạt tù. Ảnh: ST

Hành vi của Thompson lọt vào tầm ngắm của nhân viên cảnh sát. Ngay sau đó, người ta đưa Thompson vào phòng giam, còn chiếc điện thoại bị tịch thu. Thompson gặp luật sư và thừa nhận mọi hành vi của mình. Chỉ 1 tiếng đồng hồ sau đó, anh xuất hiện tại tòa vì hành vi không chấp hành mệnh lệnh của tòa án. Tổng cộng chưa đầy 75 phút kể từ lúc giơ chiếc điện thoại ra chụp ảnh, Thompson đã bị tuyên phạt hai tháng tù giam. Sự việc bất ngờ đến mức chính Thompson cũng phải tự thốt lên rằng: “Tôi đúng là một thằng ngu”.

Bào chữa cho Thompson, luật sư John Livingstone tìm cách giảm nhẹ sự vụ bằng cách nhấn mạnh chính Thompson cũng tự thừa nhận mình ngu ngốc. Theo luật sư, bức ảnh Thompson đã chụp và gửi cho bạn gái không thấy rõ bất cứ một cá nhân cụ thể nào. Bản thân anh cũng không để ý đến bảng hiệu nào cấm hành vi này. Thompson không cố ý vi phạm pháp luật nên mức phạt hai tháng tù giam là một cú sốc rất lớn đối với anh. Hơn nữa, tòa cũng không nên phạt tù Thompson vì anh còn có một... con chó tám tuần tuổi ở nhà mà không có ai nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, nữ Thẩm phán Barbara Mensah cho biết mình đã kiểm tra rất kỹ và xác định đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Xung quanh tòa án đã có bảng hiệu thông báo cấm chụp ảnh tại tòa.

Điều 41 Đạo luật pháp lý hình sự năm 1925 của Anh quy định về việc cấm chụp ảnh tại tòa. Theo đó, không ai được phép chụp bất cứ một tấm ảnh nào tại tòa án hoặc chụp ảnh chân dung của những người tại tòa án như thẩm phán, hội thẩm, nhân chứng hoặc các bên trong vụ án, bất kể đó là vụ án dân sự hay hình sự. Điều luật này còn giải thích “tòa án” ở đây được hiểu là phòng xử án và cả khuôn viên xây dựng của tòa. Theo báo The Times, mức phạt đối với hành vi này đã được nâng lên đến hai năm tù hoặc phạt tiền.

Dư luận trái chiều

Khá nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xung quanh câu chuyện khá hi hữu của Thompson. Đồng tình với mức phạt, một người cho rằng chụp ảnh tại tòa là hành vi bị nghiêm cấm. Đây là kiến thức phổ thông mà ai cũng phải biết. Ngay cả nếu ai đó cố tình không biết thì xung quanh tòa án cũng đã có quá chừng bảng hiệu thông báo rằng đó là điều không được phép làm. Thậm chí, nếu ai đó không nhìn thấy bảng hiệu thì lẽ thường, người đó cũng cần tìm hiểu xem mình sẽ phải cư xử ra sao trước khi đến một nơi nào đó.

Ngớ ngẩn ngồi tù vì công nghệ ảnh 2

 Nữ Thẩm phán Barbara Mensah - người quyết định mức hình phạt hai tháng tù cho Paul Thompson. Ảnh: MAIL ONLINE

Số người phản đối mức phạt có phần đông hơn. Theo đó, hai tháng tù đối với một chàng trai 19 tuổi là quá nặng, đặc biệt khi anh ta thực hiện hành vi chỉ xuất phát từ một khoảnh khắc thiếu suy nghĩ, không có động cơ phạm tội và cũng chưa gây ra bất cứ thiệt hại nào. Nhiều người cho rằng chỉ cần để Thompson ngồi trong xà lim vài tiếng đồng hồ là đủ. Cách khác, buộc Thompson thực hiện một số hoạt động phục vụ cộng đồng thì thích hợp hơn là bắt anh ta phải ngồi tù.

“Có lẽ cần phải có luật sư đi cùng khắp nơi để ngăn chặn ta không vi phạm một trong hàng ngàn quy định bao quanh lấy mình” - một bạn trẻ cho biết.

Thực tế là gây rối?

Tuy nhiên, phóng viên David Allen Green của tờ New Statesman lại thông tin rằng vụ án không đơn giản như thế. Trên thực tế, Thompson đã liên tục gây rối tại tòa án và đã bị cảnh báo hai lần. Cuối cùng, nhân viên giữ trật tự phiên tòa đã yêu cầu Thompson rời khỏi tòa án. Vậy mà anh ta vẫn lấy điện thoại ra chụp ảnh.

Trái với bản tin trên các báo, tờ New Statesman cho biết thực sự Thompson không bị phạt chỉ vì chụp ảnh tại tòa. Vì nếu chỉ thực hiện hành vi này, Thompson chỉ bị phạt một khoản tiền nhỏ. Bức ảnh Thompson chụp không phải là quang cảnh của phiên tòa để chứng minh cho bạn gái biết mình đang ở đâu. Thay vào đó, người trong ảnh là nạn nhân bị tấn công bạo lực trong vụ cướp. Cảnh sát và quan tòa đã kiểm tra nội dung bức ảnh. Và vì vậy, mức phạt trong trường hợp này không thể bình thường.

Chụp ảnh tại tòa là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và có thể phạt tù ngay lập tức. Luật định vậy một phần cũng để nhằm bảo vệ cho các cá nhân liên quan đến vụ án. Bởi khi bị chụp ảnh, người đó có thể phải đối mặt với việc bị trả thù hoặc đe dọa. Những bức ảnh này có thể dễ dàng chuyển đến những người khác thông qua các phương tiện điện tử.

Riêng đối với những người vô tình chụp ảnh mà không biết luật cấm, hình phạt tù không hợp nhưng phạt tiền thì sẽ hợp lý hơn.

“Hai tháng tù đối với một thanh niên 19 tuổi đúng là một thời gian dài. Tuy nhiên, khi một ai đó liên tục gây rối phiên tòa thì đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng, sau đó anh ta lại còn chụp ảnh nạn nhân. Đây là hành vi xem thường tòa án” - tờ New Statesman phân tích thêm.

Rốt cuộc, nếu chỉ dừng lại ở chuyện gây rối thì cùng lắm Thompson cũng chỉ bị mời ra khỏi tòa án. Chỉ vì hành động giơ chiếc điện thoại ra chụp ảnh, anh ta mới phải lãnh án hai năm tù.

Từng có người bị kết án vì chụp ảnh tại tòa

Tháng 3-2004, Tòa án Liverpool Crown xử phạt D. vì dám chụp ảnh tại tòa. D. kháng cáo lên tòa hình sự cấp trên nhưng bị bác.

Trước đó, trong phiên tòa của anh mình, D. dùng điện thoại di động để chụp ảnh người anh đang ngồi ở khu vực dành cho bị cáo. D. bị bắt. Kiểm tra điện thoại, người ta thấy có cả thảy ba tấm ảnh liên quan đến tòa án. Tấm thứ nhất chụp ở khu vực căng tin của tòa. Tấm thứ hai chụp từ hành lang công cộng của tòa, đối diện với khu vực của các nhân chứng. Tấm thứ ba là ảnh anh của D. đang ngồi tại khu vực dành cho bị cáo. Phong nền của tấm thứ ba còn dính ảnh của nhân viên đã hộ tống anh của D. tới tòa án.

Biện hộ cho mình, D. nói hai tấm ảnh đầu tiên là do bạn gái anh chụp cho vui chứ không có ý gì. Riêng tấm thứ ba, D. chụp để gửi về cho con gái của anh, coi như chú của cô bé (tức D.) vừa gửi món quà chúc mừng sinh nhật cho cháu.

(Theo LawNews.Asia, New Statesman, Mail Online)

HOÀNG GIA KHANG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm