Nghị sĩ Hàn Quốc nói Triều Tiên lấy công nghệ vaccine COVID-19

Hãng tin Reuters hôm 16-2 dẫn lời một nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cáo buộc Triều Tiên đã cố gắng đánh cắp thông tin về vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 bằng cách xâm nhập vào hãng dược Pfizer.

Nghị sĩ Hàn Quốc tố tin tặc Triều Tiên đánh cắp công nghệ vaccine COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES

Cụ thể, Nghị sĩ Ha Tae-keung, thành viên của Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc, nói rằng trong số các vụ tấn công mạng, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer của Mỹ là trường hợp bị xâm nhập nhằm đánh cắp thông tin và phương pháp điều trị COVID-19.

“Đã có những nỗ lực nhằm đánh cắp công nghệ vaccine và điều trị COVID-19 trong các cuộc tấn công mạng và Pfizer đã bị tấn công” - ông Ha cho biết.

Văn phòng của ông Ha đã xác nhận thông tin trên nhưng không nói chi tiết.

Các văn phòng của hãng dược Pfizer tại châu Á và Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Tuy nhiên sau đó NIS lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Nghị sĩ Ha và cho biết họ chỉ “báo cáo chung về những trường hợp tấn công” các nhà phát triển vaccine COVID-19 tới ông Ha và Ủy ban mà không nêu cụ thể công ty nào, kể cả Pfizer, đài CNN đưa tin.

Ông Ha, thành viên của đảng đối lập chính, đã nhanh chóng lên tiếng nói rằng các tài liệu được chia sẻ với các nhà lập pháp tại buổi họp có tên hãng dược Pfizer nhưng sau đó NIS đã thu lại vì lý do bảo mật.

“Tôi không thể ghi chú Pfizer nếu điều đó không được đề cập trong tài liệu” - ông Ha cho biết.

Trong năm ngoái, các tin tặc Triều Tiên bị nghi ngờ đã xâm nhập vào hệ thống của ít nhất chín công ty y tế, bao gồm Johnson & Johnson, Novavax Inc và AstraZeneca.

NIS cũng cho biết cơ quan này đã ngăn chặn những nỗ lực của Triều Tiên nhằm xâm nhập vào các công ty Hàn Quốc đang phát triển vaccine COVID-19.

Theo các chuyên gia y tế, các tin tặc Triều Tiên có xu hướng bán dữ liệu đánh cắp được hơn là sử dụng để phát triển một loại vaccine tại quê nhà.

Triều Tiên dự kiến sẽ nhận được gần hai triệu liều vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca-Oxford vào nửa đầu năm nay thông qua chương trình phân phối vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cho đến nay, Triều Tiên chưa báo cáo bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào, nhưng NIS cho rằng không loại trừ khả năng xảy ra một đợt bùng phát do Triều Tiên có các hoạt động trao đổi thương mại và con người với Trung Quốc trước khi Bình Nhưỡng đóng biên giới hồi đầu năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm