Ngày khó khăn nhất của Tổng thống Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama những ngày này tham gia nhiều cuộc phỏng vấn, ôn lại quá trình làm tổng thống của ông trước khi mãn nhiệm.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình History Channel ngày 6-1, Tổng thống Obama chia sẻ ngày khó khăn nhất trong thời gian làm tổng thống của ông là gặp gỡ người thân các nạn nhân vụ thảm sát Trường Tiểu học Sandy Hook năm 2012.

Vụ thảm sát xảy ra tại TP Newtown (bang Connecticut) ngày 14-12-2012. Trong 26 nạn nhân thiệt mạng có đến 20 trẻ em.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nghe báo cáo về vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown (Connecticut, Mỹ) ngày 14-12-2012. Ảnh: WHITE HOUSE

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nghe báo cáo về vụ thảm sát Trường Tiểu học Sandy Hook ở TP Newtown (Connecticut, Mỹ) ngày 14-12-2012. Ảnh: WHITE HOUSE

“Tôi vẫn xem cái ngày tôi đến Newtown để gặp cha mẹ các em bé và nói chuyện với người dân ở đó là ngày khó khăn nhất trong thời gian tôi làm tổng thống. Đó là lần duy nhất tôi thấy các mật vụ rơi nước mắt. Quá tàn bạo” -Tổng thống Obama nói với History Channel. Chương trình phỏng vấn này sẽ được phát vào ngày 15-1, năm ngày trước khi ông rời Nhà Trắng.

Gặp gỡ người thân nạn nhân là ngày tổng thống khó khăn nhất của ông Obama

Gặp gỡ người thân nạn nhân là ngày làm tổng thống khó khăn nhất của ông Obama. Ảnh: HUFFINGTON POST

Trong cuốn sách Sự hiến dâng của Tổng thống viết năm 2014, tác giả Joshua Dubois, một cựu quan chức Nhà Trắng, đã mô tả lại cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và người thân nạn nhân vụ thảm sát. Buổi gặp diễn ra tại một ngôi trường khác, hai ngày sau khi xảy ra thảm sát.

 “Vị tổng tư lệnh của chúng ta ôm chặt từng người, từng người một. Ông ấy nói: “Kể tôi nghe về con trai ông... Kể tôi nghe về con cái bà”. Và rồi ông ôm trong lòng các bức ảnh những đứa trẻ trong khi cha mẹ bọn trẻ kể về những món ăn, chương trình truyền hình chúng yêu thích, kể cả về giọng cười của bọn trẻ.

Tại một căn phòng khác, tổng thống gặp các em nhỏ của các nạn nhân - nhiều bé chỉ mới hai, ba, bốn tuổi, quá nhỏ để hiểu được chuyện gì xảy ra với anh, chị mình. Tổng thống ôm bọn trẻ vào lòng, chơi và cười với chúng, chia kẹo cho chúng. Ở từng căn phòng, tôi luôn nhìn thấy ngấn lệ trong mắt tổng thống nhưng ông ấy đã không khóc”.

Tổng thống Obama gặp gỡ em của các nạn nhân. Ảnh: REDIT

Tổng thống Obama gặp gỡ em của các nạn nhân. Ảnh: REDIT

Buổi tối hôm đó, Tổng thống Obama tham dự buổi lễ tưởng niệm nạn nhân với bài phát biểu mà ông xem đó là bài phát biểu khó khăn nhất của ông.

“Tôi biết rất rõ rằng những lời này không thể xoa dịu được tiếc thương, cũng không thể hàn gắn nỗi đau trong tim các bạn. Tôi chỉ hy vọng các bạn hiểu rằng các bạn không cô đơn trong nỗi đau, có chúng tôi bên các bạn” - Tổng thống Obama nói trong nước mắt tại buổi lễ. Bài phát biểu của Tổng thống Obama kết thúc bằng tên của 20 nạn nhân trẻ em.

Tổng thống Obama tại buổi lễ tưởng niệm nạn nhân thảm sát. Ảnh: AP

Tổng thống Obama tại buổi lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát. Ảnh: AP

Tổng thống Obama thậm chí vẫn rơi lệ khi nhắc về sự kiện đau thương này trong lúc thông báo sắc lệnh hạn chế bạo lực súng ống hồi tháng 1-2016.  

“Mỗi lần nghĩ đến các nạn nhân trẻ em đó, tôi đều rất đau lòng” - ông Obama nói tại Nhà Trắng ngày 5-1-2016.

Tổng thống Obama khóc trong buổi ra sắc lệnh nhằm hạn chế bạo lực súng ống. Ảnh: AFP

Tổng thống Obama khóc trong buổi ra sắc lệnh nhằm hạn chế bạo lực súng ống. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn CNN vài ngày sau đó về bạo lực súng ống, Tổng thống Obama cho biết buổi gặp người thân nạn nhân vụ thảm sát vẫn ám ảnh ông.

“Không chỉ cha mẹ thôi đâu. Nhiều đứa bé là anh chị em của các nạn nhân, mới chỉ 10 tuổi, tám tuổi, thậm chí ba tuổi đã không thể hiểu được vì sao anh chị em mình lại không thể về nhà”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm