Ngân hàng Trung ương châu Âu giải cứu

Sáng ngày 8-8, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G7 đã ra tuyên bố cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính, bảo đảm tính thanh khoản, hỗ trợ hoạt động của thị trường và tăng trưởng kinh tế theo tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.

Tuyên bố ghi nhận các nước G7 sẽ nỗ lực giảm ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng nợ châu Âu và chỉ số tín dụng Mỹ bị tụt hạng.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tuyên bố giải pháp dài hạn và sống còn để cứu khủng hoảng nợ châu Âu là các nước phải tương tác tài chính hơn nữa, phải có kế hoạch đáng tin cậy để đối phó thiếu hụt, cải thiện tính cạnh tranh và củng cố hệ thống ngân hàng. Ông kêu gọi phát triển một loại trái phiếu euro chung của châu Âu để chia sẻ nợ nần trong khối. Ông cũng đề nghị tăng quỹ cứu trợ khẩn cấp.

Khuya hôm trước đó, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean Claude Trichet đã cam kết Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ mua lại trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha đồng thời kêu gọi các nước sử dụng đồng euro cho phép Quỹ bình ổn tài chính châu Âu mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Ngân hàng Trung ương châu Âu giải cứu ảnh 1

Không khí ảm đạm tại thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8-8. Ảnh: REUTERS

Ngân hàng trung ương châu Âu hoan nghênh kế hoạch cải cách ngân sách và cấu trúc tài chính của Ý và Tây Ban Nha, đồng thời kêu gọi hai nước thực hiện các kế hoạch cắt giảm thiếu hụt và giảm nợ nội bộ nhằm khôi phục lòng tin của nhà đầu tư.

Trong ngày 7-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ra tuyên bố chung cam kết sẽ thực hiện triệt để các biện pháp kiềm chế nợ mà châu Âu đã thống nhất hồi tháng 7.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner xác nhận ông sẽ không từ chức. Ông cho rằng vấn đề nợ của Mỹ vẫn an toàn như trước khi Công ty Standard & Poor’s đánh tụt hạng tín dụng. Ông cho rằng đánh giá của Công ty Standard & Poor’s không gây tác hại gì đến kinh tế và tài chính Mỹ đồng thời tin tưởng Trung Quốc sẽ vẫn là nhà đầu tư lớn của Mỹ.

Bất chấp tín hiệu khả quan từ Ngân hàng trung ương châu Âu và cam kết của các nước G7, trong phiên giao dịch ngày 8-8, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh.

Các chỉ số như Nikkei (Nhật) giảm 2,2%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,8 % (có lúc giảm tới 7,3%), Hang Seng (Hong Kong) giảm 3,8%, STI (Singapore) giảm 4,7%, Taiex (lãnh thổ Đài Loan) giảm 5%, Nhựa Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 3,6%.

Các chỉ số ở Mỹ như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều giảm hơn 2,5%. Các loại cổ phiếu ngân hàng bị rớt giá mạnh vì lo ngại ngành ngân hàng sẽ bị tổn thất lớn do khủng hoảng nợ châu Âu.

Theo dự báo của nhà kinh tế Robert da Silva thuộc Quỹ đầu tư Principal Global Investors (Úc), đà giảm này sẽ còn tiếp diễn ít nhất 2-3 ngày tới. Trong ngày 8-8, các nhà đầu tư có vẻ đang tìm đến một số kênh trú ẩn an toàn như vàng và đồng franc Thụy Sĩ.

Ngày 8-8, Công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s (Mỹ) cảnh báo các nền kinh tế châu Á có nguy cơ bị đánh tụt hạng tín dụng nếu thị trường tài chính thế giới suy sụp. Theo công ty này, do tính nối kết của thị trường toàn cầu, một khi thị trường tài chính ở Mỹ và châu Âu sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có châu Á. Cùng ngày, Công ty thẩm định tài chính Moody’s (Mỹ) cảnh báo có thể sẽ đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ trước năm 2013 nếu ngân sách và kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu.

ĐĂNG KHOA (Theo Reuters, Bloomberg, Wall Street Journal)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm