Nga-Mỹ tranh cãi vụ tấn công hóa học ở Syria

Các thông tin khẳng định phát hiện tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria thời gian gần đây tăng mạnh với sáu vụ lớn nhỏ được thông báo trong vòng 30 ngày qua, tập trung ở vùng Đông Ghouta (ngoại ô thủ đô Damascus) và tỉnh Idlib nằm trong quyền kiểm soát của phe nổi dậy.

Mỹ báo động nghiêm trọng

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ tổ chức bảo vệ dân sự Mũ bảo hiểm trắng cho biết đã có hai thùng khí hóa chất được một trực thăng, không nói rõ của bên nào, thả xuống một thị trấn tại tỉnh Idlib vào tối 4-2 làm ít nhất 20 dân thường bị thương. Tổ chức từ thiện Hội Y khoa Syria-Mỹ cho biết các bác sĩ ở Idlib phải cứu chữa hơn chục người “có triệu chứng tiếp xúc chất độc chlorine”. Trong khi đó, các nhóm cứu hộ và y tế dân sự ở Syria cũng có các cáo buộc quân chính phủ Syria ít nhất ba lần sử dụng khí chlorine ở khu vực Đông Ghouta tháng qua. Khu vực này cũng do phe nổi dậy kiểm soát.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5-2 (giờ địa phương) đã lên tiếng cho biết “báo động nghiêm trọng” với thông tin xảy ra các vụ tấn công hóa học ở Syria, đồng thời đề nghị cộng đồng thế giới tăng áp lực lên Syria. Tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), ngày 5-2, phái đoàn của Mỹ và Nga đã tranh cãi dữ dội về tình trạng vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley đã cáo buộc Nga đang tìm cách “bảo bọc” cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công hóa học. Bà Haley cũng chỉ trích Nga đã cố tình ngăn cản tuyên bố của HĐBA lên án việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có nghi án tấn công bằng khí chlorine ở Đông Ghouta ngày 1-2.

Phản pháo lại các cáo buộc của bà Haley, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã chỉ trích phía Mỹ đưa ra các tuyên bố mang tính vu khống. Ông cho rằng rõ ràng Mỹ muốn quy kết việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cho chính phủ Damascus dù không xác định được bằng chứng. Chính phủ Syria đã đồng ý từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình từ năm 2013 theo một thỏa thuận đạt được với trung gian là Mỹ và Nga.

Người dân Syria bị thương trong vụ tấn công hóa học ở Đông Ghouta ngày 1-2. Ảnh: AFP

Tàu USS Ross của Mỹ từ Địa Trung Hải bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria ngày 7-4-2017. Ảnh: AP

Rủi ro can thiệp quân sự

Nguy cơ Syria một lần nữa bị Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự đang ngày càng cao. Ngày 1-2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cho rằng chính phủ Tổng thống Assad có thể đang phát triển vũ khí hóa học mới phức tạp hơn.

Chính quyền Washington thậm chí đã ra cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu nắm được chứng cứ đủ thuyết phục. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2-2 cũng khẳng định chính phủ Syria vẫn đang tiếp tục sử dụng các chất độc chlorine và sarin. Chất độc thần kinh sarin nguy hiểm và có tính sát thương hơn nhiều với cơ thể người so với khí chlorine.

11 lần Nga đã dùng đến quyền phủ quyết của mình ngăn cản HĐBA LHQ ra nghị quyết về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. 

Ông Mattis cũng đồng thời đưa ra cảnh báo Mỹ có thể sẽ lặp lại một vụ tấn công chiến thuật tương tự lần phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay quân sự Syria hồi tháng 4-2017. Viễn cảnh này sẽ thành hiện thực nếu Mỹ thu thập được chứng cứ cho thấy chính phủ Syria sử dụng chất độc thần kinh sarin.

Ngày 4-4-2017, theo lệnh khẩn của Tổng thống Donald Trump, tàu khu trục Mỹ đã phóng một loạt 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay Shayrat. Các thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được cho rằng sân bay Shayrat chính là xuất phát điểm của máy bay thực hiện vụ tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun (tỉnh Idlib) làm 100 người chết, 200 người bị thương.

Kết quả điều tra của Cơ chế Điều tra chung (JIM), gồm một nhóm chuyên gia từ LHQ và tổ chức Cấm vũ khí hóa học Quốc tế, công bố mới đây cho thấy chính phủ Syria đã sử dụng khí chlorine trong ít nhất hai vụ tấn công khiến dân thường thiệt mạng vào các năm 2014, 2015. Cũng theo JIM, Syria còn sử dụng cả chất độc thần kinh sarin trong vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun ngày 4-4-2017. JIM còn kết luận tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có hai lần sử dụng khí mù tạt vào các năm 2015 và 2016 ở TP Aleppo.

Nga đã công nhận kết luận của JIM về thông tin IS sử dụng chất độc hóa học nhưng vẫn bác bỏ các kết luận đối với chính phủ Syria. Phía Nga cho rằng các kết luận này không có chứng cứ đủ thuyết phục và thậm chí đã đòi LHQ phải thay nhân sự của đội điều tra. Tại HĐBA, ngày 5-2, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nói Nga vẫn bảo lưu ý kiến này. Cuộc điều tra bế tắc vì thiếu sự đồng thuận của Nga, do vậy vẫn chưa có cách nào xác định và thống nhất được bên nào chịu trách nhiệm các vụ tấn công hóa học ở Syria.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm