Nga ủng hộ Crimea sáp nhập

Sáng 7-3, một đoàn đại biểu Quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) đã đến Moscow và được các lãnh đạo Quốc hội Nga đón tiếp. Các lãnh đạo Quốc hội Nga cam kết ủng hộ Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga vào ngày 16-3 tới.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Sergey Naryshkin tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ sự chọn lựa tự do và dân chủ của nhân dân Crimea”. Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko đánh giá đây là một chọn lựa lịch sử của Crimea.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu phản đối gay gắt trước quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố quyết định của Crimea là bất hợp pháp vì trái ngược với hiến pháp Ukraine.

 
Tổng thống Obama họp với Hội đồng An ninh quốc gia thảo luận về tình hình Ukraine ngày 3-3. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị quốc tế về Libya, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Crimea là một phần của Ukraine. Crimea chính là Ukraine”.

Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Ông nói: “Mọi quyết định về tương lai Ukraine phải bao gồm chính phủ hợp pháp của Ukraine”.

Trong khi đó, Mỹ và EU tiếp tục tăng cường trừng phạt đối với Nga.

Báo Washington Post (Mỹ) đưa tin ngày 6-3, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh trừng phạt Nga và ủy quyền cho Bộ Tài chính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân và tổ chức liên can đến hoạt động tiếp quản quân sự của Nga tại Crimea.

Theo sắc lệnh, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phong tỏa tài sản của các cá nhân và tổ chức (ở Mỹ hay do Mỹ quản lý) có hành động giúp đỡ gây nguy hại đến an ninh hoặc chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, hoặc chiếm một phần của Ukraine mà không được chính phủ tại Kiev đồng ý.

Theo Reuters, sắc lệnh trừng phạt không nêu đích danh cá nhân và tổ chức nào nhưng không có tên Tổng thống Nga Putin và các quan chức cấp cao khác của Nga.

Song song theo đó, Bộ Ngoại giao đã ban hành lệnh cấm visa đối với nhiều cá nhân ở Nga.

Sau khi ký sắc lệnh trừng phạt, Tổng thống Obama đã điện đàm trong một giờ với Tổng thống Putin. Ông Obama đề nghị Nga rút quân khỏi Crimea, cho phép các quan sát viên quốc tế bảo vệ quyền lợi người dân Ukraine và ủng hộ cuộc bầu cử tại Ukraine vào tháng 5 tới.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã đề nghị cộng đồng quốc tế làm trung gian cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev.

Tổng thống Nga Putin khẳng định chính quyền mới ở Kiev đã áp đặt các quyết định hoàn toàn không chính đáng đối với khu vực miền Đông cũng như Crimea, do đó Nga không thể thờ ơ trước yêu cầu bảo vệ người Nga tại miền Đông và Crimea.

Ông kêu gọi không nên để vấn đề Ukraine ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Nga và khẳng định quan hệ Mỹ-Nga rất quan trọng đối với tình hình ổn định và an ninh trên thế giới.

Đối với EU, sau hội nghị cấp cao đặc biệt về Ukraine hôm 6-3, EU đã thông báo quyết định đầu tiên về trừng phạt chính trị đối với Nga. Đó là ngừng đàm phán về visa với Nga.

EU cho biết nếu tình hình tiếp tục xấu ở Ukraine, EU sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế như cấm du lịch, phong tỏa tài sản hoặc ngay cả hủy hội nghị thượng đỉnh EU-Nga.

DUY KHANG - TNL

- Ngày 7-3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố nếu vòng trừng phạt đầu tiên không hiệu quả, vòng trừng phạt thứ hai sẽ nhắm vào các doanh nghiệp Nga và những người thân cận với tổng thống Nga.

- Cùng ngày, Canada đã yêu cầu chín quân nhân Nga đang tu nghiệp ngoại ngữ ở Canada phải về nước trong vòng 24 tiếng. Canada đã ngưng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm