Nga - Trung Quốc chưa xong thỏa thuận khí đốt

Như để nhại lại “Con đường tơ lụa”, “Con đường khí đốt vĩ đại” là nhan đề một bài báo Nga viết về chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Vladimir Putin tới Thượng Hải ngày hôm qua (20-5). Hầu hết các báo Nga đều nhấn mạnh về “thỏa thuận khí đốt lịch sử” Nga - Trung trong chuyến thăm này.

Ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình đối thoại tại Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Nga trông chờ

Đưa tin về chuyến thăm, hầu hết báo Nga thống nhất điểm nhấn chính của chuyến đi là thỏa thuận cung cấp khí đốt Nga cho Trung Quốc, một hợp đồng “mà Gazprom đã chờ đợi suốt 20 năm, từ thời tổng thống Boris Yeltsin”, theo hãng tin Nga Lenta.ru. Thế nhưng dù các nhà đàm phán hai bên đã làm việc đến tận giờ chót, theo Reuters, thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỉ USD vẫn chưa được ký kết trong ngày hôm qua sau cuộc gặp giữa ông Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Reuters dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, cho biết các nhà đàm phán vẫn tiếp tục làm việc để khỏa lấp khác biệt về giá cả, nên vẫn có khả năng có điều gì đó mới mẻ trước khi ông Putin rời Trung Quốc ngày hôm nay hoặc trong diễn đàn kinh tế tổ chức tại thành phố St. Petersburg của Nga cuối tuần này. Ông Peskov giải thích đầy tự tin: “Chuyến thăm vẫn chưa kết thúc. Các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay và có thể hoàn tất bất cứ lúc nào”.

Trả lời phỏng vấn Hãng Bloomberg ngày 19-5, Thủ tướng Nga D.Medvedev đã thừa nhận rằng trong trường hợp phương Tây từ chối khí đốt Nga thì Nga sẽ bán cho Trung Quốc. Còn tổng giám đốc Gazprom A. Miller cho biết dự kiến Nga sẽ bơm khí đốt cho Trung Quốc từ năm 2018, với mức khoảng 38 tỉ m3 và dự kiến lên tới 60 tỉ m3/năm.

Tuy nhiên, vấn đề chính là giá cả. Trong khi phía Nga muốn bán với mức giá châu Âu - khoảng 400 USD (dao động thêm bớt khoảng 20 USD/1.000m3) thì Trung Quốc muốn “mức giá linh động theo từng thời kỳ”. Mặt khác, Nga muốn nhận một khoản ứng trước 25-30 tỉ USD nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn sang Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cho biết “không có số tiền này”.

Rõ ràng hiểu tình thế của Nga hiện nay, Trung Quốc - dù nhu cầu tiêu thụ khí đốt sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020 - vẫn đang “chơi tay trên” đối với Nga, theo bình luận của ông Gordon Kwan, giám đốc nghiên cứu về dầu và khí đốt của Nomura Research.

Chỉ ủng hộ về Ukraine

Hôm qua, có thể nói Tổng thống Putin chỉ nhận được món quà từ Trung Quốc trong tình hình khủng hoảng Ukraine. Theo Itar-Tass, tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc phản đối can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác và các biện pháp cấm vận đơn phương. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc kêu gọi giảm căng thẳng tại Ukraine, yêu cầu các bên kiềm chế, tham gia đối thoại quốc gia.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi “giữ gìn sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hòa bình và an ninh ở cấp khu vực và toàn cầu, xử lý khủng hoảng và xung đột, chống khủng bố, tội phạm xuyên biên giới”...

Hãng tin AFP dẫn lời nhà phân tích Raffaello Pantucci thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Anh đánh giá với chuyến thăm này, ông Putin muốn khẳng định Nga vẫn có thể thiết lập quan hệ đối tác với các cường quốc ngoài Mỹ và châu Âu trong thời điểm Matxcơva bị cấm vận vì khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn nhận được tín hiệu ủng hộ của Matxcơva về vấn đề biển Đông.

Phân tích những khía cạnh liên đới nhau trong quan hệ Trung - Nga này, phó chủ tịch Viện Các vấn đề địa chính trị Konstantin Sokolov trả lời tờ Moskovsky Komsomolets rằng trong thời điểm hiện nay, Nga và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc đang trong tình thế không đơn giản: bị Mỹ hất khỏi những nguồn năng lượng lớn ở Bắc Phi và Cận Đông, và có nguy cơ tiếp tục bị hất khỏi Iran và Syria. Tình hình Ukraine, thế yếu của nước Nga sẽ dẫn tới hậu quả liên đới là Trung Quốc cũng sẽ bị suy yếu. Vì thế, cuộc tập trận Nga - Trung trên biển Hoa Đông vào thời điểm này, theo ông Sokolov, cần nhìn theo bối cảnh “những cuộc tập trận liên tục của Mỹ và Hàn Quốc trong khu vực”. Trong điều kiện chịu những tổn thất trực tiếp từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc phải dựa vào hợp tác với Nga - chuyên gia này kết luận.

Theo DUY VĂN - HIẾU TRUNG (TTO) 

 

Căng thẳng biển Đông phủ bóng hội nghị an ninh Thượng Hải

Hôm nay 21-5, Hội nghị Tương tác và xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA) chính thức khai mạc tại Thượng Hải trong thời điểm Trung Quốc đang gây náo động khu vực bằng việc điều giàn khoan và tàu chiến tới vùng biển Việt Nam.

Theo Tân Hoa xã, tại CICA, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kêu gọi tăng cường đối thoại chiến lược và hợp tác an ninh tại châu Á. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia nước này cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng CICA để “loại bỏ những hiểu lầm của cộng đồng quốc tế về vai trò của Bắc Kinh trong khu vực”.

Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, ông Tập Cận Bình vẫn đưa ra những thông điệp như “giải pháp chính trị là con đường đúng đắn để giải quyết các vấn đề nóng của thế giới” và “phô trương sức mạnh và gây áp lực là không thể chấp nhận được”.

Tại Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Stephane Dujarric cho biết ông Ban Ki Moon đã trao đổi với giới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông Ban Ki Moon một lần nữa kêu gọi kiềm chế và giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình, thông qua đối thoại và tuân thủ hiến chương Liên Hiệp Quốc. Một số nhà quan sát quốc tế dự báo trong bốn ngày ở Trung Quốc, ông Ban Ki Moon sẽ kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các bước làm giảm căng thẳng. Dự kiến ông Ban Ki Moon cũng sẽ đối thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ngoại trưởng Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm