Nga tập trung binh lực gần Ukraine lớn nhất kể từ năm 2014

Hôm 7-4, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ duy trì lực lượng quân sự gần biên giới với Ukraine cho tới khi nào còn cảm thấy phù hợp. Một quan chức an ninh cấp cao của Nga còn nói nước này có thể đưa ra các biện pháp nếu cần thiết.

Theo hãng tin Reuters, các quốc gia phương Tây đã kêu gọi kiềm chế sau khi Ukraine báo động về việc Nga triển khai lực lượng gần biên giới nước mình và tình trạng bạo loạn bùng phát dọc ranh giới giữa binh sĩ chính phủ Kiev và phe ly khai ở miền Đông Ukraine.

Nga không có kế hoạch can thiệp vào xung đột Ukraine

Ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, khẳng định Nga không có kế hoạch can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“Chúng tôi không có kế hoạch nào như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình. Những biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện phụ thuộc vào tình hình diễn biến ra sao” – ông Patrushev trả lời phỏng vấn báo Kommersant.

Hoạt động quân sự gần đây của Nga và sự gia tăng các vụ đụng độ giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phe ly khai miền Đông làm dấy lên nỗi lo cuộc chiến sẽ leo thang. Ảnh: Sophia Sandurskaya / Moskva News Agency

Hôm 6-4, Ukraine yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vạch ra tiến trình để nước này gia nhập khối liên minh quân sự phương Tây. Yêu cầu này của Ukraine ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Nga.

Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, nói với Reuters rằng Kiev tin rằng Nga đang tập trung quân và khí tài quân sự ở biên giới nhằm cố gắng tập hợp người Nga chống lại kẻ thù nước ngoài và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề nội bộ của Nga.

Trong khi đó, Nga nói rằng những hoạt động quân sự của nước mình gần biên giới với Ukraine mang tính chất phòng thủ và không đặt ra đe dọa. Hôm 6-4, khi được hỏi lực lượng Nga sẽ đóng quân gần Ukraine trong bao lâu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời:

“Các lực lượng vũ trang Nga có mặt trên lãnh thổ Nga tại những nơi mà nước này xem là cần thiết và thích hợp, và họ sẽ ở lại đó cho tới khi nào giới lãnh đạo quân sự và tư lệnh tối cao của chúng tôi vẫn còn coi chuyện đó là phù hợp” – ông Peskov nói.

Nga tập trung binh lực gần biên giới Ukraine lớn nhất kể từ năm 2014

Hôm 7-4, trang tin điều tra The Insider dẫn lời những nhà phân tích quân sự cho biết Nga đã tập trung binh lực lớn nhất trên biên giới với Ukraine kể từ khi xung đột miền Đông Ukraine nổ ra năm 2014.

The Insider dẫn thông tin từ Nhóm Tình báo xung đột (CIT) cho biết quân đội Nga đã triển khai các đơn vị súng trường cơ giới, pháo binh, máy bay cùng với xe tăng gần Ukraine.

“Chúng tôi chưa từng nhìn thấy đợt tập trung binh lực nào lớn như vậy kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine năm 2014-2015” – CIT nói.

Các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine và Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) tổ chức tập trận chống khủng bố ở Slavyansk, miền Đông đất nước năm 2020. Ảnh: Genya Savilov/AFP/Getty Images

Sử dụng dịch vụ theo dõi trực tuyến GdeVagon, CIT cho biết nhóm này đã theo dõi binh sĩ Nga đến bán đảo Crimea và vùng biên giới Voronezh.

Tuy nhiên, CIT lưu ý họ chưa nhìn thấy dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng cho một cuộc xâm lược trực tiếp Ukraine.

Tình hình đang tệ hơn

Lực lượng ly khai chiến đấu chống lực lượng chính phủ Ukraine từ năm 2014 ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Kiev cho hay cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 14.000 người.

“Tình hình trên đường tiếp xúc cực kỳ không bình yên. Tình hình đang theo thang và thay đổi theo hướng xấu hơn. Số vụ bắn phá tăng lên” – ông Denis Pushilin, nhà lãnh đạo phe ly khai ở Donbass nói với hãng tin TASS.

Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc phe ly khai ở Donbass nhận hỗ trợ vũ khí, tài chính và viện trợ từ Nga. Moscow đã phủ nhận. Mặc dù lệnh ngừng bắn giúp ngăn chiến tranh toàn diện đạt được năm 2015 song các vụ giao tranh lẻ tẻ chưa bao giờ chấm dứt.

Theo nhận định của ông Alexei Chesnakov, cựu quan chức cấp cao Điện Kremlin và là cố vấn về chính sách Ukraine, việc Nga tăng quân gần biên giới Ukraine là hành động “khoe cơ bắp” nhằm gây sức ép lên Ukraine liên quan việc thực hiện thỏa thuận hòa bình 2015 bị đình trệ.

“Nga đang phát đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng cho mọi diễn biến, kể cả những kịch bản quân sự khắc nghiệt nhất” – ông Chesnakov nói.

Cũng theo ông, không ai muốn nhìn thấy các hành động quân sự.

“Đối với Nga, rõ ràng điều này không có lợi cho họ và sẽ rất rủi ro nếu tiến hành hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Donbass” – ông Chesnakov nói.

Ukraine sẽ không tiếp tục tham gia đối thoại Donbass nữa

Sau khi thực hiện phong tỏa do COVID-19, Ukraine sẽ không cử phái đoàn của mình tới Nhóm Tiếp xúc ba bên (TCG) ở Minsk (Belarus) để đàm phán về việc giải quyết tình hình ở Donbass. Thông tin này do Bộ trưởng về tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị tạm thời chiếm đóng của Ukraine, ông Oleksii Reznikov cho biết trên kênh ICTV.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh: DW

Ông Reznikov cho biết thêm Ukraine có ý định tìm kiếm nền tảng khác để tiếp tục đàm phán.

Ông Reznikov nói rằng theo quan điểm của ông, Belarus ngày nay đang chịu ảnh hưởng của Nga và Ukraine không có niềm tin vào đất nước này.

Ngoài ra, ông Reznikov cho biết quân đội Ukraine đã xem xét thực tế là luận điệu chống Ukraine chiếm ưu thế ở Belarus.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm