Nga nói không can thiệp quyền đánh khủng bố của Syria ở Idlib

Theo hãng tin RT, phía Nga vừa lên tiếng khẳng định chính phủ và quân đội Syria có quyền "đánh khủng bố" ở tỉnh Idlib và Moscow sẽ không can thiệp vào quyền này của Damascus.

Nga: Syria có quyền làm điều LHQ không cấm

Cụ thể, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28-2 nói rõ Damascus có quyền chống trả khi bị khủng bố tấn công và Nga không có khả năng ngăn người Syria làm những gì mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tán thành. 

Quân đội Syria. Ảnh: AFP

“Quân đội Syria hoàn toàn có quyền trả đũa và trấn áp khủng bố” - ông Lavrov nhấn mạnh và nói thêm rằng yêu cầu đánh bại các lực lượng thánh chiến ở Syria đã được HĐBA LHQ ủng hộ.

"Nga không thể cấm quân đội Syria thực hiện các yêu cầu được nêu trong các nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó kêu gọi một cuộc chiến không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức” - ông Lavrov nói.

Theo tin từ RT, Thổ Nhĩ Kỳ mất 33 binh sĩ ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria) trong một cuộc không kích của chính phủ Syria hôm 28-2. Bình luận về vụ tấn công, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng những cái chết này thực sự là một thảm kịch và Moscow gửi lời chia buồn.

Tuy nhiên, ông nói rằng Ankara cũng có một phần trách nhiệm cho những gì đã xảy ra, bởi vì nước này đã không thông báo cho Nga về vị trí của binh sĩ nước mình và Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong việc làm xuống thang bạo lực ở Idlib.

Moscow cho biết 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ chết trong trận không kích của chính phủ Syria là kết quả của việc truyền thông sai, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ đã không thông báo cho Nga về nơi hiện diện của binh sĩ tại Syria.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, thảm kịch ngày 27-2 xảy ra bởi vì binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ lẫn vào các chiến binh của một nhóm vũ trang đặt ra mối đe dọa cho lực lượng Syria.

“Ngay sau khi chúng tôi biết những gì đã xảy ra, chúng tôi đã yêu cầu những đồng nghiệp Syria của chúng tôi dừng cuộc chiến và đã làm mọi thứ có thể để sắp xếp việc sơ tán những binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thương và tử vong về lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ” - Ngoại trưởng Nga cho biết.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tái khẳng định rằng Nga có ý định xuống thang xung đột và đảm bảo rằng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ không gặp nguy hiểm ở Idlib.

Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nói chuyện qua điện thoại hôm 28-2 nhằm bàn cách xoa dịu căng thẳng ở Idlib. Moscow khẳng định rằng cuộc chiến chống khủng bố ở Idlib là ưu tiên cao nhất trong tình hình hiện tại. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng các quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nên thiết lập đường dây liên lạc tốt hơn với nhau.

Vì sao điểm nóng Idlib luôn nguy hiểm?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 đồng ý kế hoạch tách bạch các lực lượng đối lập thông thường với những kẻ khủng bố; phi quân sự hóa vành đai bên trong khu vực Idlib nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ nơi này nhằm vào lực lượng Syria và căn cứ không quân Khmeimim của Nga; đảm bảo tự do đi lại qua khu vực này.

Tuy nhiên, ông Lavrov cho hay các mục tiêu trên vẫn không đạt được trong hơn một năm qua và các cuộc tấn công từ Idlib vẫn tiếp tục.

Một gia đình người Syria ngồi sau xe tải đi lánh nạn ở Idlib. Ảnh: GETTY

Tỉnh Idlib thuộc tây bắc Syria, là địa bàn hoạt động cuối cùng của các lực lượng chống chính phủ ở Syria. Phần lớn khu vực này do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh của Al-Qaeda, kiểm soát. 

Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một cuộc tấn công quân sự đã lên kế hoạch của quân đội Syria vì cho rằng cuộc tấn công sẽ dẫn đến mất mát lớn về đời sống dân sự và làn sóng người tị nạn từ Idlib, và từ đó đưa tới một cuộc khủng hoảng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý sử dụng ảnh hưởng của mình đối với một số nhóm vũ trang ở Idlib để dập tắt bạo lực và cuối cùng là thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nga và Damascus cùng với các lực lượng đồng minh đã cố gắng làm điều tương tự. Tuy nhiên, thỏa thuận này không thành công và quân đội Syria đã phát động cuộc tấn công nhằm vào Idlib, tái chiếm các làng mạc và thị trấn ở phía nam Idlib nhằm loại bỏ những tay súng nổi dậy.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai hàng ngàn binh sĩ và thiết bị quân sự hạng nặng tới Idlib với mục đích tăng cường cho các trạm quan sát của nước này tại đây. 

Với đà tiến quân nhanh của quân đội Syria, binh sĩ Syria và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đụng độ nhau và gây thương vong cho cả hai phía.

Ankara đã yêu cầu Damascus rút quân khỏi tỉnh Idlib, đồng thời đe dọa mở chiến dịch quân sự lớn nếu tối hậu thư không được thực hiện trước cuối tháng 2. Sau vụ tấn công ngày 27-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập một phiên họp khẩn của NATO, làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm