Nga nói đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với Mỹ

Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 26-10, ông Andrey Belousov, Phó Giám đốc bộ phận Kiểm soát và chống phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh nhằm bảo vệ người dân Moscow trước những mối đe dọa từ Mỹ, theo RT.

“Tại một cuộc họp gần đây, phía Mỹ nói rằng Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh. Đúng vậy, Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh, tôi có thể xác nhận điều này” - ông Belousov nói.

Ông Andrey Belousov. Ảnh: BLOOMBERG

Nhà ngoại giao Nga cho biết việc Moscow tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và xây dựng hệ thống vũ khí thường khiến phương Tây cho rằng Moscow đang chuẩn bị chiến tranh toàn diện. Nhưng trên thực tế, Nga đánh giá đây là động thái phòng thủ cần thiết.

“Chúng tôi đang chuẩn bị để bảo vệ đất nước, lãnh thổ thống nhất, các nguyên tắc, các giá trị và nhân dân Nga” - ông Belousov nhấn mạnh.

Quan chức Nga nói thêm Nga không muốn, khác với Mỹ: “Vì sao Mỹ lại rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), tăng cường kho hạt nhân và thực thi chính sách hạt nhân mới? Đó là câu hỏi cho tất cả chúng ta”.

Ông Belousov nhấn mạnh: “Nga đang chuẩn bị "cho cuộc chiến tranh", trong khi Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh”.

Phát biểu của quan chức Nga được đưa ra sau khi dự thảo nghị quyết mới của Nga về việc củng cố Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị bác bỏ ở Liên Hiệp Quốc. Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ukraine cùng 50 nước khác đã bỏ phiếu phản đối dự thảo, trong khi 31 nước ủng hộ và 54 nước bỏ phiếu trắng. 

“Hầu hết các quốc gia bác bỏ dự thảo đều ủng hộ INF. Tôi thực sự không hiểu quan điểm của họ” - ông Belousov nói.

Moscow coi việc bảo vệ INF là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga cũng kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khóa họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, ngày 20-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi INF, với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, Moscow khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi cho rằng Washington mới là bên luôn vi phạm hiệp ước. 

Ý định rút khỏi INF của Mỹ đã không nhận được sự đồng tình từ Nga và châu Âu, cho rằng hành động này có thể khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Giới chuyên gia và các cựu quan chức cấp cao nhận định đây có thể là tiền đề cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500 km đến 5.500 km. Hiệp ước được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm