Nga nói chưa thể cử đại sứ bị triệu hồi trở lại Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ Moscow hiện không có kế hoạch khôi phục lại cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở Washington cho đến khi nhận thấy Mỹ thực sự quan tâm đến việc xây dựng quan hệ giữa hai nước, đài RT đưa tin.

Ngày 7-4, hãng thông tấn RIA đã đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov rằng liệu ông Anatoly Antonov - Đại sứ Nga tại Mỹ đã bị triệu hồi vào tháng 3 trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington ngày càng gia tăng - có trở lại Mỹ trong tương lai gần hay không. 

“Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết nhanh trong những ngày tới” - ông Ryabkov nói.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: REUTERS

“Thời gian ông Antonov trở lại Mỹ sẽ được xác định dựa trên những bước đi của chính quyền Washington trên đường hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương. Chúng tôi hy vọng họ vẫn thể hiện mong muốn ít nhất là đạt được mối quan hệ tương đối và sẽ có những bước tiến đáng kể liên quan đến vấn đề này” - ông cho biết thêm.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Mỹ có khả năng sẽ hành động nếu phát hiện bằng chứng về việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

"Ông ấy sẽ phải trả giá" - ông Biden cho biết.

Ngoài ra, khi được hỏi liệu ông có cho rằng Tổng thống Nga là “kẻ giết người” hay không, ông Biden cũng trả lời “có”.

Ngay sau đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Antonov đã bị triệu hồi về Moscow để tham vấn nhằm phân tích các hành động tiếp theo dựa trên mối quan hệ hiện nay với Mỹ.

Bình luận của ông Biden được đưa ra khi một báo cáo chung của các cơ quan tình báo của Mỹ - bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ - đã được giải mật và công bố rộng rãi. 

Bản báo cáo chỉ ra rằng Nga đã cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ với mục đích "bôi nhọ ông Biden và đảng Dân chủ, ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào tiến trình bầu cử và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị xã hội ở Mỹ".

Kể từ đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một nhóm quan chức Nga mà họ tuyên bố là chịu trách nhiệm cho việc bỏ tù nhân vật đối lập Alexey Navalny và bị cáo buộc vi phạm "quyền con người" trong việc kiểm soát các cuộc biểu tình sau khi ông Navalny bị bắt.

Lệnh trừng phạt của Washington cũng nhắm vào nhiều công ty và một viện mà Mỹ cho là tham gia vào hoạt động “sản xuất vũ khí sinh học và hóa học”, cũng như “các hoạt động trái với lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ”, bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ của Điện Kremlin.

Theo RT, vào thời điểm đó, một quan chức giấu tên đã nói rằng: "Mỹ không tìm cách thiết lập lại quan hệ với Nga, cũng không tìm cách leo thang căng thẳng".

Đáp lại những phát ngôn của ông Biden, hôm 18-3, Tổng thống Putin cho rằng ông Biden đang “suy bụng ta ra bụng người”. Ông Putin nhấn mạnh rằng việc đánh giá nước khác giống như soi gương, đài RT đưa tin.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Washington muốn có quan hệ tốt với Moscow nhưng chỉ là về những vấn đề có lợi cho chính Mỹ. 

Đồng thời, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov mô tả tuyên bố của ông Biden là “rất tệ hại”, cáo buộc Nhà Trắng không nghiêm túc về việc thiết lập quan hệ với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm