Nga ngừng sử dụng căn cứ Iran không kích Syria

Nga đã ngừng sử dụng căn cứ không quân Shahid Nojeh của Iran để bay không kích Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cho biết ngày 22-8.

“Việc Nga sử dụng căn cứ Shahid Nojeh để không kích Syria chỉ là tạm thời và theo đề nghị của Nga. Và giờ việc này đã kết thúc” - hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn lời ông Ghasemi nói trong buổi họp báo và không đề cập lý do.

Phía Nga đã xác nhận toàn bộ máy bay chiến đấu của Nga ở căn cứ Shahid Nojeh đã di chuyển về Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẵn sàng sử dụng lại căn cứ không quân Iran một khi Iran đồng ý và tùy vào tình hình chiến sự ở Syria. Nga đã sử dụng căn cứ không quân Shahid Nojeh để tiếp liệu cho máy bay ném bom bay đi không kích Syria ít nhất ba lần trong tuần rồi.

Bộ Ngoại giao thông báo này chỉ vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Iran chỉ trích Nga có thái độ phô trương và không lịch sự khi công khai rầm rộ việc sử dụng căn cứ Shahid Nojeh để không kích Syria.

Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga ném bom trên bầu trời Aleppo ngày 16-8.

Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga ném bom trên bầu trời Aleppo ngày 16-8. Ảnh: AP

Họp báo ngày 22-8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố rằng việc Nga sử dụng căn cứ Shahid Nojeh sẽ chỉ là “rất ngắn hạn”.

Khi được hỏi tại sao Iran không phải là bên đầu tiên thông báo việc cho Nga sử dụng căn cứ, Bộ trưởng Hossein Dehghan đã rất gay gắt: “Nga thích thể hiện mình là một nước lớn để đảm bảo ảnh hưởng của mình trong tương lai chính trị Syria và Nga có thái độ phô trương và không lịch sự khi công khai việc sử dụng căn cứ Shahid Nojeh”.

Nga công khai việc sử dụng căn cứ không quân Shahid Nojeh của Iran vào tuần trước. Phía Iran xác nhận thông tin này một ngày sau đó.

Cuối tuần rồi Bộ trưởng Hossein Dehghan đã chất vấn Quốc hội về việc Iran cho phép Nga sử dụng căn cứ.

Với Iran, cho phép Nga sử dụng căn cứ của mình là một việc khá mạo hiểm và hiếm xảy ra. Nga cùng với Anh đã từng chiếm đóng Iran trong Chiến tranh thế giới thứ hai để chiếm các mỏ dầu. Dù Anh sau đó rút quân nhưng Nga vẫn không chịu rút khiến Hội đồng Bảo an LHQ phải can thiệp năm 1946.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đã dùng lợi ích kinh tế và cả quân sự tác động để Iran cho phép sử dụng căn cứ. Iran đang muốn mua máy bay chiến đấu Sukhoi-30 của Nga cũng như muốn Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ phòng không S-300 trên đất mình.

Cuối tuần rồi, truyền thông Iran công bố hình ảnh Tổng thống Iran Hassan Rouhani đứng gần một hệ thống tên lửa phòng thủ Bavar-373, vốn được đánh giá ngang ngửa với hệ thống S-300 của Nga. Theo Bộ trưởng Dehghan, hệ thống tên lửa Bavar-373 có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao 27 km, cùng độ cao với hệ thống S-300.

Theo Reuters, đây có thể là tín hiệu Iran muốn phát tới Nga rằng mình vẫn có khả năng tự vệ mà không cần hệ thống tên lửa phòng thủ của Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm