Nga muốn Mỹ trả lại Alaska?

Thư thỉnh nguyện gửi trên trang web của Nhà Trắng được viết bằng thứ tiếng Anh không tự nhiên, trong đó nói “nhiều nhóm người Siberia ở Nga đã vượt qua eo biển Bering hơn 10.000 năm trước”.

Theo tờ Moscow Times, thư thỉnh nguyện được gửi một tuần trước bởi Government Communication G2C, một nhóm có liên hệ với Điện Kremlin.

Một nhà thờ Chính thống giáo ở Alaska. Ảnh: BRENDAN MINISH
Một nhà thờ Chính thống giáo ở Alaska. Ảnh: BRENDAN MINISH

Nhà Trắng từ chối trả lời về thư thỉnh nguyện trên. Thông thường, thư phải có trên 100.000 chữ ký mới được chính quyền của Tổng thống Barack Obama hồi âm.

Alaska thuộc lãnh thổ của Nga cho đến năm 1867. Năm đó, Nga bán vùng đất này cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD. Dấu ấn Nga còn lại ngày nay là những nhà thờ Chính thống giáo phương Đông nằm rải rác ở một vài trị trấn của Alaska.

Điểm cực tây của Alaska nằm ở cuối bán đảo Seward – được đặt theo tên William Seward, ngoại trưởng Mỹ đã thương lượng vụ mua bán trên – và chỉ cách Nga hơn 80 km.

Nhiều người Nga tin rằng bán Alaska với giá bèo như vậy là sai lầm lịch sử. Trên mạng Internet ở Nga đang rất phổ biến một tấm ảnh có cảnh bầy chim cánh cụt giương tấm bảng viết “Crimea là của chúng ta” và “Tiếp theo là Alaska”.

Nga đưa 3 phi hành gia, 2 người Nga và 1 người Mỹ, lên ISS hôm 26-3. Ảnh: NASA
Nga đưa 3 phi hành gia, 2 người Nga và 1 người Mỹ, lên ISS hôm 26-3. Ảnh: NASA

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga – Mỹ liên quan đến Ukraine đã lan ra vũ trụ. Tối 2-4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận đã dừng liên lạc với các đại diện cấp chính phủ của Nga.

Theo tờ The Verge, NASA tạm dừng việc đi lại đến Nga, hội đàm qua điện thoại, email trao đổi tin tức và không cho phép quan chức chính phủ Nga đến thăm các cơ sở của NASA. Một nhà khoa học NASA tỏ ra không hài lòng: “Mục đích của NASA không phải là chính trị. (…) Làm như vậy là dừng hợp tác khoa học và công nghệ”.

Chỉ có một ngoại lệ, đó là các hoạt động trên Trạm không gia quốc tế (ISS) vẫn diễn ra bình thường. Mới tuần trước, 2 phi hành gia Nga và 1 phi hành gia Mỹ được tên lửa Nga đưa lên ISS. NASA phụ thuộc vào tên lửa Nga để đưa người lên ISS với giá 70,7 triệu USD/chỗ. Do đó, cơ quan này đang hợp tác với các công ty tư nhân Mỹ để phát triển tên lửa và phá thế độc quyền vận chuyển cua Nga.

Cũng trong tuần trước, NASA còn tự tin nói sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Roscomos, cơ quan không gian liên bang Nga.

Nga – Mỹ lần đầu hợp tác trong lĩnh vực không gian vào tháng 7-1975. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, Mỹ đề nghị Nga hợp tác trên ISS.

Theo Hải Ngọc (NLĐO / Telegraph, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm