Nga không khóa van khí đốt

Ngày 12-4, Công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine thông báo ngừng thanh toán tiền mua khí đốt của Nga chừng nào chưa thể gút giá khí đốt. Hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin hồi đầu tháng, Tập đoàn Gazprom của Nga đã tăng 80% giá bán khí đốt cho Ukraine, tức tăng từ 268 USD lên 485 USD cho 1.000 m3. Naftogaz cho rằng giá xoay quanh 500 USD là giá bất công, không phù hợp thị trường.

Nga không cắt khí đốt châu Âu

Ngày 10-4, Tổng thống Nga Putin đã gửi một bức thư cho các nhà lãnh đạo 19 nước châu Âu vốn là các nước mua khí đốt Nga, trong đó có 13 nước Liên minh châu Âu (EU).

Báo Kommersant (Nga) cho biết nội dung thư như sau: Ukraine không trả tiền nợ khí đốt của Nga nên Nga sẽ hạn chế cung cấp; điều này có thể đe dọa đến mạng lưới cung cấp khí đốt cho châu Âu chạy ngang qua Ukraine.

Vì lẽ đó, Tổng thống Putin đề nghị Nga và các đối tác châu Âu nên đàm phán ở cấp các bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Năng lượng nhằm thống nhất các biện pháp bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt quá cảnh qua Ukraine và góp phần ổn định kinh tế Ukraine.

 
Biếm họa của Steve Sack trên báo
The Minneapolis Star Tribune (Mỹ). Chữ trong ảnh: Russian gas supply=Nguồn cung cấp khí đốt Nga.

Hôm 11-4, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga, Tổng thống Putin nói một mình Nga không thể gánh gánh nặng Ukraine, vì thế các đối tác châu Âu nếu là bạn bè của Ukraine thì phải giúp đỡ Ukraine tránh mất khả năng chi trả.

Đối với Ukraine, ông nhấn mạnh Nga không có ý định ngừng cung cấp khí đốt nhưng Ukraine phải trả tiền nợ khí đốt cho Nga (số tiền tồn đọng hiện nay đã lên đến hơn 2,2 tỉ USD).

Ông giải thích theo hợp đồng đã ký từ năm 2009, Tập đoàn Gazprom của Nga có quyền áp dụng chế độ trả trước. Có nghĩa là vào tháng tới, Ukraine sẽ chỉ nhận được số lượng khí đốt đã thanh toán tiền của tháng này.

Mỹ và EU tố ngược Nga

Phản ứng với bức thư gửi EU của Tổng thống Putin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Nga chính trị hóa vấn đề cung cấp khí đốt cho Ukraine và đề nghị Nga phải áp dụng các quy luật kinh tế thị trường để định giá.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga hôm 11-4, Tổng thống Putin khôi hài: “Đọc thư của người khác là không tốt. Thư không phải viết cho họ mà cho những người tiêu thụ khí đốt châu Âu. Mọi người ai cũng biết các bạn Mỹ của chúng ta có thói quen nghe lén…”.

Ông nhấn mạnh giá khí đốt hiện nay đã được quy định trong hợp đồng ký giữa Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraine) vào năm 2009 và từ đó đến nay giá vẫn như cũ. Ông nhắc lại thậm chí tháng 12-2013, Nga còn cho Ukraine vay 3 tỉ USD và giảm giá khí đốt cho Ukraine với điều kiện Ukraine phải trả hết nợ, sau đó mua đến đâu trả đến đó. Rốt cuộc Ukraine chẳng thực hiện điều kiện nào.

Tương tự như Mỹ, EU xem bức thư của Tổng thống Putin như lời hăm dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine vì động cơ chính trị.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Pia Ahrenkilde-Hansen nêu quan điểm: “EU là khách hàng tốt. EU mua 70% năng lượng xuất khẩu của Nga, đóng góp gần 50% thu nhập ngân sách Liên bang Nga… Vì lợi ích của các bên, đừng nên sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị”.

Số phận về tình hình Ukraine sẽ được giải quyết tại hội nghị bốn bên (Nga, Mỹ, EU, Ukraine) vào ngày 17-4 ở Genève (Thụy Sĩ).

Thêm một thành phố muốn ly khai

Liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine, sáng 12-4, những người biểu tình đã chiếm một trụ sở cảnh sát ở TP Slaviansk (vùng Donetsk) gần biên giới Nga. Những người biểu tình thông báo họ đã chiếm tòa nhà chính quyền và họ không có vũ trang.

Tại Donetsk, những người biểu tình đã định chiếm văn phòng viện kiểm sát nhưng cảnh sát đã thuyết phục họ rời khỏi địa điểm ấy. Những người biểu tình cho biết họ liên lạc thường xuyên với cảnh sát và cùng tuần tra chung nên nghe theo lập luận của cảnh sát. Hiện thời những người biểu tình vẫn cố thủ trong tòa nhà chính quyền.

Ngày 11-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để bày tỏ thái độ lo ngại về tình hình ở miền Đông Ukraine. Ông kêu gọi Mỹ tác động để Ukraine không sử dụng vũ lực và tiến hành đàm phán đối với những người biểu tình ở miền Đông.

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố NATO sẽ củng cố lá chắn dọc biên giới Nga và kêu gọi các nước đồng minh gia tăng ngân sách quốc phòng.

Ông giải thích NATO đã tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để khuyến khích khả năng phòng vệ của Ukraine. Hiện thời NATO tiếp tục hỗ trợ Moldova, Gruzia và các đối tác khác trong khu vực. Để biện minh cho hành động trên, ông cho rằng nguyên nhân do Nga cứ tiếp tục gây bất ổn tại Ukraine.

HOÀNG DUY

 
Theo tài liệu của Ủy ban châu Âu năm 2013, đường ống khí đốt cho châu Âu quá cảnh qua Ukraine cung cấp 65/133 tỉ m3 khí đốt EU mua của Nga. Khí đốt mua của Nga đáp ứng 25% nhu cầu của EU với giá trị tổng cộng 35 tỉ euro năm 2013, tức 3 tỉ euro mỗi tháng. Hiện thời Nga vẫn cung cấp khí đốt cho châu Âu bình thường. Riêng đối với Ukraine, Reuters cho biết Nga đã giảm còn 48,9 triệu m3 khí đốt so với 80 triệu m3 vào ngày 1-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm