Nga điều 2.000 lính gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh

Theo đài RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận Azerbaijan và Armenia đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ông Putin còn nói lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ được triển khai tới đường tiếp xúc này.

Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Armenia – Azerbaijan vì lợi ích của người dân hai nước, Tổng thống Putin nói sáng 10-11.

Armenia – Azerbaijan ký thỏa thuận đình chiến

Trước đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo thỏa thuận hòa bình ký với Azerbaijan và do Nga làm cầu nối. Nội dung của thỏa thuận “đau đớn đến mức không thể tin được” và “không phải là chiến thắng”, ông Pashinyan cho biết.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: REUTERS

Ông Pashinyan cho biết cá nhân ông đã ra một quyết định rất khó khăn do tình hình quân sự hiện tại và tin rằng đây sẽ là điều tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

  “Tôi xin quỳ gối trước tất cả nạn nhân của chúng tôi, tôi xin cúi đầu trước tất cả binh sĩ, tướng lĩnh và tình nguyện viên của chúng tôi, những người đã bảo vệ quê hương của họ bằng mạng sống của họ. Họ đã cứu Artsakh” – ông Pashinyan viết trên tài khoản Facebook của mình.

 “Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Và chúng tôi sẽ chiến thắng. Arsakh đứng lên” – ông Pashinyan nhấn mạnh.

Armenia gọi khu vực Nagorno-Karabakh là Cộng hòa Artsakh.

Thủ tướng Armenia nói rằng mặc dù thỏa thuận này không phải là một chiến thắng nhưng cần thiết để báo hiệu sự tái sinh đoàn kết dân tộc Armenia. Ông Pashinyan kêu gọi người Armenia “nhìn lại những năm độc lập của chúng ta để có thể lên kế hoạch cho tương lai và không lặp lại những sai lầm của quá khứ”.

2.000 lính gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh trong năm năm

Theo nội dung thỏa thuận đăng trên truyền thông Nga vào rạng sáng 10-11 (giờ Nga) – thời điểm thỏa thuận có hiệu lực, Nga sẽ triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình dọc đường tiếp xúc và hành lang Lachin, con đường liên thông giữa Nagorno-Karabakh và Armenia.

Binh sĩ Armenia trong trong các hào tại tiền tuyến trên biên giới với Azerbaijan. Ảnh: AFP

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ chuyển tới đây khi lực lượng vũ trang Armenia rút quân và ở lại đây trong năm năm, theo thỏa thuận. Dự kiến nhiệm vũ của lực lượng này sẽ tự động được gia hạn thêm năm năm nếu trước ngày hết hạn sáu tháng không có bên nào phản đối.

Cả lực lượng Armenia lẫn lực lượng Azerbaijan đều không được phép tiến xa hơn vị trí của họ hiện tại. Điều này khiến vùng lãnh thổ còn lại của Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh bị bao vây, chỉ có một hành lang rộng 5 km dẫn tới Armenia, dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Một con đường mới sẽ được xây dựng xuyên qua khu vực Lachin trong ba năm tới, để kết nối Armenia với TP Stepanakert – thủ phủ của Nagorno-Karabakh. Song song với đó, một con đường khác sẽ được xây xuyên qua Armenia để kết nối Azerbaijan với Cộng hòa tự trị Nakhichevan (thuộc quản lý của Azerbaijan) ở phía tây nam.

Cho tới lúc đó, lính biên phòng Nga sẽ giám sát giao thông đường bộ hiện tại xuyên qua Armenia tới Nakhichevan.

Thỏa thuận còn nội dung trao đổi tù binh và thi thể những người đã khuất, hồi hương tất cả người tị nạn và người bị thay đổi nơi sinh sống trong nước (internally displaced persons) tại khu vực Nagorno-Karabakh cũng như khu vực lân cận. Hoạt động nay sẽ do Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) giám sát.

Trên lý thuyết, điều này có nghĩa là những người Armenia và Azerbaijan di cư trong cuộc xung đột kể từ năm 1991 sẽ được hồi hương, dù rằng chưa rõ việc này sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế.

Nagorno-Karabakh là khu vực có phần lớn dân là người Armenia, nằm trong biên giới Cộng hòa Azerbaijan song đã ly khai khỏi nước này năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Năm 1994, Armenia và Azerbaijan ký hiệp đình đình chiến với việc lực lương Armenia kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh cũng như lãnh thổ xung quanh Azerbaijan.

Giao tranh giữa hai bên bất ngờ bùng nổ dữ dội tại khu vực Nagorno-Karabakh hồi cuối tháng 9 và tiếp tục leo thang bất chấp nhiều lệnh ngừng bắn do Nga, Mỹ dàn xếp.

Tình hình trầm trọng thêm khi Thổ Nhĩ Kỳ tích cực ủng hộ Azerbaijan trong khi Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể vốn là liên minh quân sự với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm