Nga đi bước rắn, Mỹ sẽ làm gì?

Một năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định quan hệ Nga, Mỹ sẽ ngày càng tệ hơn. Ông Putin đã đúng. Một năm qua, quan hệ hai nước luôn trì trệ, căng thẳng và gần đây lại có diễn biến xấu hơn khi phía Nga liên tục có nhiều động thái rắn.

Nga rắn với Mỹ, thân với Trung Quốc

Ngày 14-6, Nga tuyên án một cựu binh Mỹ 16 năm tù vì tội do thám. Trả lời phỏng vấn đài Rossiya 1 cùng ngày, Tổng thống Putin nói làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và tình hình COVID-19 tại Mỹ là “các cuộc khủng hoảng nội tại” của nước này. đồng thời, ông cũng chê bai khả năng lãnh đạo và quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Putin, tại Mỹ, “lợi ích nhóm, lợi ích đảng phái được đặt cao hơn lợi ích của toàn xã hội và của người dân Mỹ”. Thêm nữa, ông Putin cho rằng quyền lực của ông Trump bị ảnh hưởng lớn vì bị chia sẻ với các thống đốc bang, không giống quyền lực tập trung của tổng thống Nga. Theo ông Putin, trong khi Nga đang từng bước thoát khỏi dịch COVID-19 với “tổn thất thấp nhất” thì “ở Mỹ không diễn ra như vậy”.

Rắn với Mỹ nhưng với Trung Quốc (TQ) - nước đang có quan hệ cực kỳ nhạy cảm với Mỹ - thì Nga lại khác. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói có chứng cứ cho thấy virus gây dịch COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (TQ). Tổng thống Trump nói ông tin đại dịch xảy ra là do “lỗi lầm khủng khiếp” ở TQ. Tình báo Mỹ xác định virus không phải do con người tạo ra, có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán do tai nạn.

Trước các động thái này, phía Nga lên tiếng rằng Mỹ sai lầm khi đổ trách nhiệm cho TQ về đại dịch. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với kênh CNBC rằng các cáo buộc từ phía Mỹ “rất, rất nghiêm trọng”, cảnh cáo Mỹ không được tấn công nước khác theo cung cách phi ngoại giao khi không cung cấp bằng chứng rõ ràng.

Ông Peskov khẳng định Nga trân trọng giá trị của quan hệ với TQ. Theo CNBC, chẳng những nảy nở về quan hệ ngoại giao mà cả đầu tư và thương mại giữa Nga và TQ cũng phát triển mạnh trong những năm qua.

Đại dịch COVID-19 có thể là một cơ hội để Tổng thống Trump (trái) tăng hợp tác với Tổng thống Putin (phải) nhưng không chắc Mỹ có thể khai thác tốt cơ hội này. Ảnh: GETTY IMAGES/CNN

Mỹ giải bài toán thế nào?

Trong một bài viết trên trang web của Viện Chính sách Brookings (Mỹ), chuyên gia chính sách đối ngoại Angela Stent nhận định quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất trong 35 năm qua. Nguồn cơn để dẫn tới tình trạng này là chuyện Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea, bất đồng ở Syria và Venezuela, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và có thể cả cuộc bầu cử tới.

Ông Trump chủ trương cải thiện quan hệ với Nga nhưng điều này không dễ thực hiện khi cả phần còn lại của bộ phận hành pháp và Quốc hội Mỹ đều theo đuổi các chính sách chống lại Nga. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ xác định Nga (cùng với TQ) là các mối đe dọa hàng đầu của Mỹ. Vào thời điểm tốt nhất, quan hệ Mỹ, Nga mang màu sắc hợp tác lẫn cạnh tranh. Tuy nhiên, ở thời điểm cụ thể này, màu sắc chủ đạo là đối đầu.

Sau chiến tranh lạnh, chính sách Mỹ với Nga cứ tuần hoàn và xấu thêm khi từng chính phủ Mỹ đến và đi… Điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là quan hệ hai nước sẽ không xấu thêm nữa.

TS DMITRI TRENINGiám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow thuộc tổ chức chính sách đối ngoại Carnegie Endowment for International Peace 

Thách thức với Mỹ lúc này là xử lý quan hệ với Nga thế nào để bớt đi màu sắc đối đầu hai bên. Thách thức này đặc biệt lớn trong bối cảnh Nga ngày càng thân thiết với TQ.

Theo chuyên gia Stent, không có nhiều cách Mỹ có thể làm để kéo Nga ra xa TQ nhưng ít nhất Mỹ không nên theo đuổi các chính sách có thể đưa hai nước này sát thêm lại với nhau. Các chính sách cần tránh này có thể kể đến như trừng phạt Nga và tiếp tục thương chiến với TQ. Nga đang chịu đựng nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan chuyện can thiệp bầu cử, sáp nhập Crimea, vụ cha con cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh và gần nhất là liên quan dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga sang Đức.

Các lệnh trừng phạt tác động nặng đến kinh tế Nga nhưng sẽ không làm Nga bớt rắn hơn trong hành động với Ukraine hay thôi can thiệp vào nội bộ Mỹ, theo bà Stent. Thêm nữa, trừng phạt nhắm vào dự án Nord Stream 2 ảnh hưởng mạnh đến các đồng minh Mỹ trong khi Nga thì không đáng kể.

Theo chuyên gia Stent, Mỹ cần cân nhắc lại công cụ trừng phạt vì có thể thấy biện pháp này đã không buộc được Nga suy nghĩ lại chính sách của mình. Khi đưa ra dự báo quan hệ hai nước “sẽ ngày càng tệ hơn” năm trước, ông Putin có nhắc đến chuyện Mỹ trừng phạt Nga như một lý do làm quan hệ hai bên tệ đi.

Trung Quốc được mời tham gia cuộc gặp Mỹ, Nga

Thời gian qua Mỹ từ bỏ nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ giữa năm 2019, gần đây thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn tồn tại giữa hai nước là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Nga liên tục kêu gọi Mỹ bàn chuyện gia hạn trước khi hiệp ước hết hạn vào tháng 2-2021 nhưng Mỹ chần chừ vì muốn thay thế bằng một hiệp ước ba bên có cả TQ.

Theo thông tin từ đài CNN thì cuối tháng này, đặc phái viên Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí - Marshall Billingslea và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov sẽ gặp nhau. Ngày 14-6, ông Billingslea nói TQ được mời đến cuộc gặp giữa ông với phía Nga nhưng chưa biết Bắc Kinh có thái độ thế nào. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm