Nga đẩy mạnh buôn bán vũ khí ở châu Á

Nga đẩy mạnh buôn bán vũ khí ở châu Á ảnh 1
Nga đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng ở châu Á - Ảnh: Reuters

Hãng tin AP cho biết thỏa thuận trên được ký kết với sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến ghé thăm Indonesia ngắn ngủi trên đường đến Úc tham dự hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào cuối tuần này.

Theo thỏa thuận, Nga sẽ cho Indonesia vay 1 tỉ USD trong thời hạn 15 năm để mua 15 máy bay trực thăng, 20 xe tăng và 2 tàu ngầm của Nga. "Một phần của hành động này là nhằm giảm sự lệ thuộc của chúng tôi vào Mỹ", AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Juwono Sudarsono, tuyên bố trước lúc thỏa thuận được ký kết. Thỏa thuận này đến sau hàng loạt thỏa thuận bán máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 cho Indonesia, Malaysia và các nước khác trong khu vực.

Nga từ lâu đã là một nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho châu Á. Báo International Herald Tribune hôm qua trích dẫn một báo của Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ trình các nhà lập pháp nước này cho biết từ năm 1998 đến năm 2005, Nga đã ký kết các thỏa thuận trị giá 29,1 tỉ USD cung cấp vũ khí cho các nước châu Á, chiếm 37% thị phần. Các thỏa thuận mà Mỹ ký kết trong cùng thời gian chỉ chiếm 25% thị phần.

Các khách hàng truyền thống của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ, do hai nước này chi hàng tỉ USD nhằm nhanh chóng tăng cường khả năng quân sự bằng cách mua máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa Nga. Nga cũng tăng cường quan hệ bằng cách thiết lập các chương trình phối hợp phát triển một số loại vũ khí và đồng ý cấp phép sản xuất một số loại khác. Danh sách khách hàng châu Á của Nga tiếp tục được bổ sung trong những năm gần đây, với Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Hàn Quốc...

Những thỏa thuận mua bán vũ khí với các điều khoản thuận lợi cho phía mua là cách Nga đang sử dụng để tăng doanh thu (hiện ở mức 5 tỉ USD/năm) từ các sản phẩm "hạng nặng" này. Những thỏa thuận này đã giúp hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong giai đoạn việc kinh doanh thiết bị quân sự ở trong nước giảm sút. Nhưng điều quan trọng hơn là "ngoại giao vũ khí" đã giúp Nga khôi phục quan hệ và giành ảnh hưởng. Indonesia đã xoay sang Nga cách đây vài năm khi nước này phải chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ. Washington sau đó đã bãi bỏ lệnh này khi Jakarta tỏ ra hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã khẳng định Indonesia muốn tăng cường hợp tác quân sự với Nga.

Theo Báo International Herald Tribune, một số thỏa thuận mua bán vũ khí đã khiến Moscow bất hòa với Washington và các đồng minh trong khu vực. Vào năm 2005, Nga đã ký thỏa thuận cung cấp hệ thống phòng thủ đất đối không trị giá 700 triệu USD cho Iran. Trong nhiều năm kể từ giữa thập niên 90, Nga đã thỏa thuận với Mỹ không bán vũ khí cho Iran. Tương tự, thỏa thuận bán vũ khí Nga cho Indonesia cũng sẽ không được hoan nghênh ở một số nước láng giềng của Indonesia. Mặc dù vậy, Nga vẫn đang hết sức nỗ lực khôi phục ảnh hưởng trong khu vực theo cách của mình.

Trùng Quang&nbsp;<EM>(Theo TNO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm