Nga có huy động quân sự đến biên giới Ukraine?

Tình hình Nga-Ukraine vẫn đang rất căng thẳng và nguy hiểm sau gần một tháng Nga nổ súng bắt ba tàu hải quân cùng 24 thủy thủ Ukraine ở biển Đen. Từ sau vụ việc này, liên tiếp xuất hiện thông tin Nga huy động quân sự đến các khu vực biên giới với Ukraine, gây lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột hai bên.

Vậy thực sự Nga có huy động quân sự đến biên giới Ukraine hay không? Theo tin từ New York Times, tuần trước nhiều quan chức Ukraine báo động việc Nga huy động quân sự quy mô - binh sĩ, xe tăng, pháo… - đến biên giới với Ukraine.

Ukraine nói có

Ukraine đầu tháng 12 trưng ra các hình ảnh vệ tinh cho thấy từng hàng dài xe tăng chiến đấu T-72 và xe bọc thép ở TP Kamensk-Shakhtinsky thuộc tỉnh Rostov Oblast ở miền Nam Nga, cách biên giới Ukraine, nơi phe ly khai đang kiểm soát chưa đầy 20 km. Hình ảnh cũng cho thấy có nhiều máy bay chiến đấu Il-76 cũng như có nhiều xe vận tải quân sự đậu tại căn cứ không quân Dzhankoi ở bán đảo Crimea - lãnh thổ Nga sáp nhập từ Ukraine năm 2014. Tuy nhiên, các hình ảnh này được chụp hồi tháng 10, trước khi xảy ra vụ tàu Ukraine bị Nga bắt giữ, còn thực sự khí tài Nga được triển khai lúc nào thì chưa có thông tin.

Có thông tin Nga đã triển khai một tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 đến căn cứ Dzhankoi sau vụ bắt tàu Ukraine. Động thái triển khai này đã được lên kế hoạch trước vụ bắt tàu Ukraine và trước đó Nga đã đưa các hệ thống bệ phóng S-400 sang Crimea. Tuy nhiên, thời điểm triển khai vẫn khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi.

Sau sự việc bị Nga bắt tàu và thủy thủ, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban bố thiết quân luật ở 10 khu vực có biên giới với Nga. Lý do chính ông Poroshenko nêu ra cho hành động này là vì sự huy động quân sự lớn của Nga đến biên giới Ukraine. Đầu tháng 12, Unian (Ukraine) đưa tin ông Poroshenko nói Nga đưa tới 80.000 quân và 300 xe tăng tới gần biên giới Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thị sát cuộc tập trận tháng trước gần TP Chenihiv, Bắc Ukraine. Ảnh: AFP

Mỹ nói không

Tuy nhiên, New York Times dẫn lời nhà phân tích cấp cao Anna Arutunyan tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) rằng lời của các quan chức Ukraine chưa hẳn chính xác. Biên giới miền Nam Nga với Ukraine là những cánh đồng lúa mì, đồng cỏ, lau sậy trải dài và cả đầm lầy thuộc vùng châu thổ sông Don - là nơi vẫn thường diễn ra các hoạt động quân sự của Nga. Không loại trừ khả năng sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực này đã có từ trước và không phải là sự triển khai mới. Theo nhà phân tích Arutunyan, con số 80.000 quân mà ông Poroshenko đề cập có thể đã tồn tại sẵn ở miền Nam Nga từ trước.

Ngày 14-12, Giám đốc Cơ quan Tình báo Ukraine Vasyl Hrytsak từng đưa ra cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine vào ngày 15-12 nhưng điều này đã không xảy ra. 

Sau khi tiếp ông Poroshenko tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 14-12, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg không đề cập gì đến chuyện Nga huy động quân sự đến biên giới với Ukraine, chỉ nói NATO “quan ngại về căng thẳng gia tăng”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thận trọng. New York Times dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng quân đội Mỹ không nhận thấy có sự huy động quân sự lớn của Nga tới biên giới Ukraine kể từ sau sự kiện Nga bắt tàu Ukraine, ngoài một số lượng nhỏ vũ khí phòng thủ được Nga triển khai những ngày gần đây.

Mới nhất, nói với báo chí ngày 17-12, ông Kurt Volker - đại diện đặc biệt Mỹ tại Ukraine xác nhận Nga có “khả năng quân sự lớn” tại các khu vực biên giới với Ukraine. Ông Volker cho biết các nơi có nhiều sự hiện diện quân sự của Nga nhất ngoài các vùng biên giới với Ukraine còn có Crimea. Tuy nhiên, theo lời ông Volker thì chuyện Nga huy động quân sự đến biên giới với Ukraine đã diễn ra nhiều năm sau khi Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào Đông Ukraine chứ không phải chỉ mới 1-2 tuần nay. Ông Volker là người dẫn đầu nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài bốn năm bắt nguồn từ việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và can thiệp vào Đông Ukraine.

Dù cho rằng Nga vốn hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine từ trước chứ không phải sau khi bắt tàu Ukraine, nhà phân tích Arutunyan vẫn cho rằng không thể chủ quan với tình hình hai bên, đặc biệt khi Ukraine ra thiết quân luật và cho máy bay vận tải chở quân từ miền Tây đến miền Đông giáp Nga. Ngày 14-12, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine huy động quân, chuẩn bị tấn công phe ly khai ở miền Đông. Nga cáo buộc ông Poroshenko lên kế hoạch tấn công để tăng cơ hội thắng của mình trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 3. Tình hình rất đáng ngại khi theo nhà quan sát Yevhen Fedchenko (Ukraine), Nga sẵn sàng hành động, chỉ chờ Ukraine phát pháo trước.

Quân đội Ukraine giờ rất khác

Mỹ, NATO và khu vực luôn trong trạng thái lo ngại giao tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi xuất hiện lý do như sự việc Nga bắt tàu, thủy thủ Ukraine vừa rồi. Sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine có thể mang lại lợi thế chiến thuật cho Nga. Tuy nhiên, theo ông Kristjan Prikk, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng quốc gia thành viên NATO Cộng hòa Estonia, Ukraine không phải là một “mục tiêu dễ dàng” với Nga. Theo lời ông Prikk nói với Washington Examiner, “quân đội Ukraine hiện nay rất khác với quân đội họ đã có năm 2014” - thời điểm Crimea về  Nga. Sức chiến đấu của quân đội Ukraine hiện tại đáng tin cậy khi nước này đã phát triển, mua và được các nước cho tặng rất nhiều thiết bị, khí tài quân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm