Nga chuẩn bị lập bộ máy ở Crimea

Ngày 23-3, Văn phòng tổng thống Nga thông báo Tổng thống Nga Putin đã giao cho chính phủ và các cơ quan liên bang liên quan xem xét phê duyệt kế hoạch thành lập các cơ quan hành pháp ở hai chủ thể mới Cộng hòa Crimea và Sevastopol trước ngày 29-3.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) ghi nhận công tác nêu trên liên quan đến Thủ tướng Dmitry Medvedev, các bộ trưởng thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tình huống khẩn cấp, Bộ Ngoại giao, các cục trưởng Cục An ninh liên bang, Cục Kiểm soát ma túy liên bang, Cục Thi hành án liên bang và một số cơ quan.

Trong khi đó tại bán đảo Crimea, sau khi Crimea tuyên bố sáp nhập vào Nga cách đây ba tuần, lực lượng tự vệ lần lượt tiếp quản các căn cứ của quân đội Ukraine đóng tại Crimea. Nói chung công tác tiếp quản diễn ra không tiếng súng, trừ một binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong vụ nổ súng ở Simferopol.

Ngày 22-3, Reuters đưa tin lực lượng tự vệ địa phương và binh sĩ Nga đã sử dụng xe bọc thép, súng tự động và lựu đạn gây choáng vào tiếp quản căn cứ không quân ở Belbek.

 
Ngày 22-3, người biểu tình vẫy cờ Nga trước hàng rào cảnh sát án ngữ trước tòa thị chính Donetsk. Ảnh: REUTERS

Trước đó lực lượng này đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu căn cứ phải đầu hàng trong một tiếng. Một binh sĩ Ukraine bị thương. Chỉ huy trưởng căn cứ bị bắt để thẩm vấn.

Cùng ngày, 200 người dân không trang bị vũ khí đã tập trung trước căn cứ hải quân Novofedorivka của quân đội Ukraine ở Crimea. Hãng tin AP cho biết bên trong căn cứ các sĩ quan Nga thương lượng để các binh sĩ Ukraine rời đi. Đến 13 giờ, cổng căn cứ mở, người dân ùa vào và cắm cờ Nga.

Hôm 21-3, các binh sĩ Nga cũng đã kiểm soát tàu ngầm Zaporizhzhia là tàu ngầm duy nhất của quân đội Ukraine triển khai tại Crimea. Tàu được lai dắt về căn cứ của Nga ở Sevastopol.

Tại Ukraine ngày 22-3, khoảng 3.000 người đã tập trung ở quảng trường Lenin tại trung tâm TP Donetsk (địa phương có đông đảo người dân nói tiếng Nga ở miền Đông). Họ vẫy cờ Nga và giương cao khẩu hiệu đòi đưa Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich trở lại cầm quyền.

Cảnh sát đã triển khai trước tòa thị chính để ngăn người biểu tình chiếm tòa nhà.

Để bày tỏ thái độ đoàn kết với chính quyền mới ở Ukraine, cùng ngày 22-3, ngoại trưởng Đức và thủ tướng Canada đã đến Kiev.

Cùng đi với Thủ tướng Canada Stephen Harper có Ngoại trưởng John Baird và Bộ trưởng Tư pháp Peter MacKay. Thủ tướng Stephen Harper đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của các nước G7 đến Ukraine.

Ông đã tiếp xúc với Thủ tướng tạm quyền ở Ukraine Arseny Yatsenuk và đến đặt vòng hoa tại quảng trường Độc lập để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong biểu tình chống chế độ cũ.

Trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thông báo Đức có thể hỗ trợ quân đội Ukraine về kỹ thuật. Hai bên cũng thảo luận vấn đề các nước Đông Âu cung cấp khí đốt cho Ukraine để tránh lệ thuộc nguồn khí đốt từ Nga.

Tại Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius tiếp tục kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán chính trị, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ chính quyền Ukraine chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 25-5.

HOÀNG DUY

Đài Tiếng nói Moscow ngày 23-3 đưa tin Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko tuyên bố Abkhazia, Nam Ossetia và Transnistria không yêu cầu sáp nhập vào Nga và các hồ sơ này cũng không nằm trong lộ trình thảo luận của Nga. Bà nhấn mạnh tình hình ở nước Cộng hòa Crimea là trường hợp đặc biệt và đừng bao giờ nói đến Nga như một quốc gia tìm cách thôn tính các lãnh thổ nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm