Newlines cáo buộc Trung Quốc 'diệt chủng' người Duy Ngô Nhĩ

Hãng tin AFP ngày 10-3 đưa tin Viện Chính sách và chiến lược Newlines (có trụ sở tại Washington, D.C) đã công bố một báo cáo cho biết cách Chính phủ Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ đã vi phạm "từng hành vi" bị cấm của Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Báo cáo đã đưa ra phân tích độc lập về trách nhiệm pháp lý mà Bắc Kinh có thể phải chịu đối với các hành vi của mình ở khu vực tây bắc Tân Cương.

Newlines cáo buộc Trung Quốc 'diệt chủng' đối với người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo của Newlines được công bố hôm 9-3, hơn 30 chuyên gia trong các lĩnh vực từ luật quốc tế đến chính sách dân tộc Trung Quốc đã tiến hành kiểm chứng các bằng chứng sẵn có về cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và công ước về tội diệt chủng của LHQ.

Báo cáo viết rằng: "Người Duy Ngô Nhĩ đang bị tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần do bị tra tấn có hệ thống và đối xử tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, lạm dụng tình dục, bóc lột và làm nhục nơi công cộng, dưới bàn tay của các cán bộ trại giam".

Đại hội đồng LHQ hồi tháng 12-1948 đã thông qua công ước về tội diệt chủng, với các bên ký kết gồm Trung Quốc và 151 quốc gia khác.

Theo đó, dù chỉ vi phạm một phần của công ước cũng có thể bị coi là phạm tội diệt chủng. Tuy nhiên, báo cáo của Newlines đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang "vi phạm từng và mọi hành vi bị cấm" của công ước.

Theo AFP, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết Tân Cương là nơi có một mạng lưới rộng lớn các trại giam đã giam giữ ít nhất một triệu người.

Viện Newlines, trước đây được gọi là Trung tâm Chính sách Toàn cầu, hồi tháng 12-2020 đã phát hành một báo cáo cho thấy những người lao động thiểu số ở Tân Cương bị buộc phải hái bông thông qua một chương trình cưỡng chế do nhà nước điều hành.

Báo cáo - tham khảo các tài liệu trực tuyến của chính phủ - cho biết tổng số người tham gia ở ba khu vực đa số người Duy Ngô Nhĩ vượt quá con số ước tính trong năm 2018 là 517.000 người. Báo cáo cho biết họ buộc phải hái bông như một phần của kế hoạch lên tới hàng trăm nghìn người.

Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc lao động cưỡng bức liên quan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nói rằng "các chương trình đào tạo, kế hoạch làm việc và giáo dục tốt hơn đã giúp dập tắt chủ nghĩa cực đoan trong khu vực".

Trước đó, dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 1 đã khẳng định Trung Quốc phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Pompeo đưa ra tuyên bố trên "sau khi đã kiểm tra cẩn thận các dữ liệu có sẵn", cáo buộc chính phủ Bắc Kinh đã thực hiện hành vi chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ít nhất là từ tháng 3-2017.

Các nghị sĩ Canada hồi tháng 2 cũng đã bỏ phiếu nhất trí rằng hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội “diệt chủng”, dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các thành viên cấp cao khác trong nội các không tham dự cuộc bỏ phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm