New Zealand gửi công hàm ủng hộ UNCLOS và phán quyết Tòa Trọng tài 2016

Ngày 3-8, New Zealand gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016.

Trong công hàm, New  Zealand khẳng định mình không phải là bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Dù vậy, nước này đề cập tính chất phổ biến và thống nhất của UNCLOS, trong đó đặt ra khuôn khổ pháp lý cuối cùng mà tất cả các hoạt động trên biển và đại dương phải tuân thủ.

UNCLOS - "Hiến pháp của đại dương" - đã được vận dụng hiệu quả để giải quyết nhiều tranh chấp, bất đồng trên biển. Ảnh: UN

Qua đó, New Zealand khẳng định việc thiết lập các vùng biển phải được thực hiện phù hợp với UNCLOS. 

Theo công hàm, New Zealand nhấn mạnh UNCLOS bảo vệ quyền tự do của vùng biển cả, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền di chuyển tự do trong lãnh hải. Các quyền tự do này áp dụng cho tất cả các quốc gia và cho tất cả các khu vực trên thế giới.

New Zealand cũng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 trong đó nhấn mạnh không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia yêu cầu "chủ quyền lịch sử” đối với các khu vực hàng hải ở Biển Đông.

Theo UNCLOS, không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia lục địa tuyên bố quy chế quần đảo. UNCLOS quy định các quốc gia quần đảo phải bao gồm toàn bộ đảo hoặc nhiều đảo. Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để một nước vẽ đường cơ sở quần đảo thẳng ở Biển Đông, cũng như không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các nhóm đảo trong Biển Đông.

Đối với các đảo, UNCLOS quy định rằng các đá không thể duy trì "sự sống của con người hoặc tạo ra giá trị kinh tế cho họ" sẽ không tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế. Cho dù đối tượng địa lý hàng hải là đá hay đảo hay độ cao thủy triều, chúng đều phải phụ thuộc vào việc các đối tượng địa lý đó có được hình thành tự nhiên hay không. Sự phân loại này không thể thay đổi thông qua các hoạt động xây dựng trên đất liền hoặc các biện pháp cải tạo nhân tạo khác.

UNCLOS cũng quy định rằng độ cao thủy triều nằm ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển không tạo ra các vùng biển. Tương tự, các thực thể chìm hoàn toàn không làm phát sinh bất kỳ quyền lợi hàng hải nào. Các thực thể như vậy không thể bị tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đoạt. 

Qua đó, New Zealand ủng hộ phán quyết của UNCLOS rằng "các đảo nhân tạo, các công trình xây dựng và cấu trúc không phải nguyên trạng là đảo" không tạo ra lãnh hải của riêng chúng, cũng như không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Mặc dù New Zealand là một phần của một số hiệp định đa phương liên quan đến lĩnh vực hàng hải được đàm phán sau khi UNCLOS có hiệu lực, nước này khẳng định các hiệp định trên được thực hiện rộng rãi và nhất quán với UNCLOS. Đồng thời, New Zealand khẳng định không vi phạm các quy tắc tổng thể mà UNCLOS cung cấp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm