Nepal trong ‘tình trạng chiến tranh’

Ngày 28-4, trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala ước đoán số người tử vong vì trận động đất ngày 25-4 vừa qua có thể đến 10.000 người. Nếu như con số này chính xác, trận động đất này sẽ thành thảm họa tàn khốc nhất trong lịch sử quốc gia mệnh danh là “nóc nhà thế giới”.

Trước đó, trận động đất kỷ lục ở nước này diễn ra vào năm 1934 với mức địa chấn lên đến 8,3 độ Richter, làm gần 8.500 người thiệt mạng.

Trong diễn biến lần này, phát ngôn viên chính phủ Nepal - ông Laxmi Prasad Dhakal xác nhận số người thiệt mạng được xác nhận đến trưa 28-4 đã là 4.400 người, tăng gần 1.000 người so với số liệu công bố trước đó gần 24 giờ.

Theo tờ The Guardian, số người bị thương đã gần 8.000 người. Ở các nước lân cận ghi nhận có 100 người chết vì trận động đất.

Lực lượng cứu hộ dùng tay cố gắng đưa xác của một nạn nhân cho thấy việc cứu trợ đang gặp khủng hoảng. Ảnh: AP

Các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ hiện nay vẫn chưa hiệu quả. Nguồn biểu đồ: JAMES DANIELL/CATDAT SYSTEM

Các quan chức nước này hiện cũng không thể thống kê được tình hình thiệt hại tại các khu vực hẻo lánh ở Nepal. Thủ tướng Nepal thừa nhận với tờ India Express các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đã “không được hiệu quả”.

Ông yêu cầu các đảng trong nước tăng cường đoàn kết đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Hãng tin Reuters còn mô tả dường như chính quyền Nepal đang được đặt trong “tình trạng chiến tranh” khi các đợt dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra.

Tổ chức LHQ ước đoán thảm họa tác động đến hơn tám triệu người, tương đương 1/4 dân số đất nước. Có 11 quận với hơn hai triệu người bị tác động nghiêm trọng nhất, trong đó các quận Sindhupalchowk, Nuwakot, Gorkha và Rasuwa có tỉ lệ người chết cao nhất.

Lúc này các lực lượng hỗ trợ quốc tế đã có mặt tại các vùng thảm họa song LHQ ước tính vẫn còn đến 1,4 triệu người cần viện trợ lương thực. Ông Baburam Marasini - cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Nepal còn cảnh báo vấn đề nước sạch đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện có hàng ngàn người tại thủ đô Kathmandu đang sống ngoài đường vì nhà ở đã bị phá hủy hoặc không còn an toàn nữa. Thủ tướng Nepal khẳng định quốc gia này đang rất cần hỗ trợ về lều trại và thuốc men để giúp đỡ những nạn nhân còn sống sót.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ưu tiên hàng đầu của công tác cứu trợ là ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại các vùng chịu tác động của thiên tai.

WHO xác nhận chỉ mới phân phối viện trợ y tế đủ để phục vụ 40.000 người trong thời gian ba tháng. UNICEF, cơ quan chuyên trách các vấn đề trẻ em của LHQ, cũng xác nhận gần một triệu trẻ em tại Nepal cần sự cứu trợ khẩn cấp của quốc tế.

Hiện tổ chức Chữ thập đỏ Thế giới đã cử 1.500 tình nguyện viên và 300 nhân viên đến Nepal, đồng thời đề xuất quyên góp hơn 35,2 triệu đôla Mỹ viện trợ đối phó thảm họa.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), tổng mức viện trợ được tuyên bố bởi các chính phủ và tổ chức trên thế giới đã được hơn 44 triệu USD với Mỹ cam kết đóng góp nhiều nhất (10 triệu USD).

Còn Ấn Độ hiện là nước hỗ trợ cứu nạn tích cực nhất với hơn 1.450 nhân viên, hàng chục đội chuyên viên y tế, hơn 400 tấn hàng hóa cứu trợ cùng hàng ngàn lều trại được phát cho các nạn nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm