Nên hiểu vụ Texas kiện 4 bang chiến địa như thế nào?

Nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử bên đội ngũ đương kim Tổng thống Donald Trump không còn nhiều hy vọng. Trong bối cảnh này, điều không tưởng đã xảy ra khi bang Texas, do Tổng chưởng lý Ken Paxton đứng ra đại diện, bất ngờ đệ đơn lên Tòa án Tối cao kiện bốn bang chiến địa Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin về kết quả kiểm phiếu phổ thông. 

Tổng chưởng lý bang Texas - ông Ken Paxton (trái) tiếp đón Tổng thống Donald Trump (phải) khi ông công du đến bang này hồi tháng 6. Ảnh: CNBC

Đáng chú ý, đơn kiện được đệ trình lúc chỉ còn vài giờ là hết ngày 8-12 (giờ địa phương), hạn chót mà toàn bộ các bang Mỹ phải giải quyết xong mọi vấn đề hoặc tranh chấp liên quan đến việc kiểm phiếu bầu và lên danh sách đại cử tri chính thức.
Vụ kiện chưa từng có tiền lệ
Theo đài NPR, đơn kiện của ông Paxton tố cáo chính quyền bốn bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cố tình đề ra các quy định bầu cử mới ngay trước khi diễn ra tổng tuyển cử với lý do bùng phát đại dịch COVID-19, trong khi những thay đổi này phải được các cơ quan lập pháp bang thảo luận và bỏ phiếu thông qua trước. 
Ngoài ra, đơn kiện của bang Texas cũng khẳng định chính quyền bốn bang nói trên còn có hành vi phân biệt phiếu của cử tri địa hạt này so với địa hạt kia, tức vi phạm Tu chính án số 14 về đảm bảo quyền bỏ phiếu phổ quát của người dân. Đơn cử, đơn kiện dẫn trường hợp chính quyền bang Pennsylvania đã thiết lập quy trình giúp sửa các phiếu bầu qua thư không hợp lệ (do thiếu hoặc sai chữ ký hoặc các vấn đề tương tự) thành đủ tiêu chuẩn để được kiểm phiếu riêng cho hạt Allegheny. Thông thường những phiếu không hợp lệ sẽ bị loại hoàn toàn vì luật bầu cử ở Pennsylvania không cho phép thiết lập một quy trình riêng. 
“Những động thái như vậy đi ngược lại với luật pháp liên bang, hiến pháp và làm suy yếu tính toàn diện của cuộc bầu cử, tạo kẽ hở cho những vụ gian lận phiếu và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân ở đây” - ông Paxton nêu rõ. 
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 19 bang do đảng Cộng hòa kiểm soát, tức gần 1/3 số bang ở Mỹ, đã đệ trình các đơn amici curiae (một văn bản gửi lên tòa từ một bên thứ ba không có liên quan trực tiếp đến vụ kiện nhằm giúp tòa đưa ra quyết định cuối cùng) ủng hộ vụ kiện của bang Texas. Trong số này, có sáu bang là Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Utah còn yêu cầu được trở thành bên có quyền lợi có liên quan, tức nặng ký hơn bên thứ ba. Bản thân Tổng thống Trump cũng đã nộp kiến nghị yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép ông trực tiếp tham gia với tư cách nguyên đơn.
Các chuyên gia nói gì?
Dù nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các bang khác, song hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng khả năng đơn kiện của bang Texas giành chiến thắng là rất thấp. Trả lời tờ The Washington Post, GS Lisa Marshall Manheim thuộc ĐH Washington (Mỹ) chỉ ra đơn kiện có nhiều điểm “không mạch lạc về mặt pháp lý, không căn cứ vào thực tế và hiểu sai về quy trình bầu cử ở Mỹ”. Cụ thể, Texas không có tư cách khởi kiện một vụ việc liên quan đến cách một bang khác tổ chức bầu cử. Ngay cả khi Texas có quyền làm việc đó thì đáng lẽ bang này phải lên tiếng phản đối các thay đổi bầu cử của bốn bang chiến địa trong đơn trước ngày bỏ phiếu 3-11 chứ không phải đợi sau khi có kết quả. 
106 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 10-12 đã cùng ký tên vào một đơn amici curiae ủng hộ đơn kiện của bang Texas lên Tòa án Tối cao. Điều này chứng tỏ nội bộ đảng Cộng hòa vẫn còn một sự ủng hộ nhất định với Tổng thống Trump, theo đài CNN.  
Trong khi đó, GS Lawrence Lessig thuộc ĐH Harvard (Mỹ) nhận định rằng tổng chưởng lý của các bang đứng ra ủng hộ đơn kiện của bang Texas đang hành động với tư cách là những chính trị gia, chứ nếu họ dừng lại và suy nghĩ như một luật sư thì sẽ biết chắc rằng đơn kiện tất yếu sẽ thất bại. “Tôi cho rằng không ai trong số các tổng chưởng lý này tin rằng họ có thể chiến thắng. Nếu họ còn là luật sư thì họ sẽ không tham gia vào một hành động như vậy” - ông Lessig nói. 
Hiện chưa rõ Tòa án Tối cao sẽ đồng ý thụ lý đơn kiện của bang Texas hay không. Dù khả năng tòa bác là rất cao bởi tính chất gây tranh cãi của đơn kiện nhưng theo giới chuyên gia, tòa vẫn có thể sẽ nhận thụ lý để giúp dập tắt một lần và mãi mãi mọi vấn đề xung quanh việc kiểm phiếu. “Có vẻ sẽ tốt cho đất nước này nếu Tòa án Tối cao nhận vụ kiện này và nhất trí đưa ra phán quyết bác bỏ đơn kiện vì lúc đó phe ông Trump sẽ không còn gì để kiện cáo nữa” - chuyên gia Ilya Shapiro thuộc Viện nghiên cứu chính sách Cato (Mỹ) chia sẻ.•
Những kịch bản có thể xảy ra cho ông Trump
Nhìn trên bản đồ tranh cử, tổng số phiếu đại cử tri của bốn bang chiến trường bị kiện là 62. Trong kịch bản lý tưởng nhất là Tòa án Tối cao đồng ý hủy kết quả bỏ phiếu ở bang này thì ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ rơi từ 306 phiếu đại cử tri đang có xuống còn 244. Lúc này, cả hai ông Trump lẫn ông Bien đều sẽ không đủ số phiếu đại cử tri tối thiểu là 270/528 để đắc cử. 
Theo Điều 2 của Hiến pháp Mỹ, nếu không có người chiến thắng chung cuộc sau khi bỏ phiếu đại cử tri thì Hạ viện sẽ đứng ra bầu tổng thống, trong khi Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống. Tại Hạ viện thì mỗi bang sẽ chỉ được một phiếu bầu nên ứng viên nào giành được 26 phiếu trước sẽ trở thành tổng thống.
Ở kịch bản xấu hơn, nếu tòa không thụ lý vụ kiện Texas hoặc nếu giải quyết nhưng kết quả vẫn bất lợi cho ông Trump thì chắc chắn ông Trump sẽ chỉ còn đường chấp nhận thua cuộc và ra đi vào năm sau. Lý do đây là đơn kiện đưa lên tòa án ở cấp cao nhất, có yếu tố quyết định thành bại cho các đơn kiện các tòa án bang cấp thấp hơn. 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm