NATO điều quân đến sát bên Nga

Nga cam kết sẽ đáp trả thích đáng với hành động gia tăng hoạt động của NATO cạnh biên giới phía Tây của Nga. Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin ngày 10-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố như trên.

Ông Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng hành động củng cố sự hiện diện quân sự gần biên giới của chúng tôi không góp phần tái lập niềm tin trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương”.

Ông tuyên bố: “Nga bắt buộc phải phản ứng theo cách thích hợp nhưng chúng tôi tin rằng vấn đề sẽ phải được giải quyết qua đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đã bắt đầu triển khai 3.000 quân đến ba nước vùng Baltic (Litva, Latvia, Estonia) trong 90 ngày theo chiến dịch “Quyết tâm Đại Tây Dương” do Mỹ phát động trong khuôn khổ NATO. 

Đại tá Steven Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết ngày 9-3, tàu hàng chở gần 750 xe quân sự và thiết bị đã đến thủ đô Riga (Latvia).

Tàu Liberty chở thiết bị quân sự cập cảng Riga (Latvia) ngày 9-3. Ảnh: LSM.LV

Đợt đầu tiên đến Riga gồm 300 binh sĩ thuộc Sư đoàn bộ binh số 3. Số quân còn lại tiếp tục được triển khai trong những tuần tới. Lực lượng triển khai sẽ tham gia cuộc tập trận đa phương từ ngày 17-5 đến 6-6.

Tướng Mỹ John O’Connor phụ trách hậu cần cho biết sau thời gian triển khai ở ba nước vùng Baltic, các binh sĩ Mỹ sẽ về nước nhưng sẽ để lại các trang thiết bị quân sự như xe tăng Abrams, xe bọc thép Bradley, xe vận tải hạng nhẹ Humvee và máy bay trực thăng. Mục đích nhằm ngăn ngừa Nga tấn công.

Theo đài truyền hình RT (Nga), Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Raymond Vejonis xác nhận Latvia đã tiếp nhận hơn 120 xe bọc thép, trong đó có xe tăng Abrams M1A2 và xe bọc thép Bradley M2A3. Chuyến hàng này theo tàu hàng Liberty đã cập cảng Riga.

Ông nhận định: “Sự hiện diện của các đồng minh ở Latvia là cam kết về an ninh và đoàn kết trong khu vực”. Ông cho rằng điều này cũng nhằm chứng minh với Nga các nước NATO có thể hợp sức với nhau.

NATO triển khai quân đến các nước vùng Baltic nhằm trấn an các nước thành viên và đồng minh NATO trước nguy cơ từ Nga.

Ba nước vùng Baltic nguyên là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã gia nhập Liên minh châu Âu và NATO năm 2004.

NATO cho rằng ba nước này đã tỏ thái độ lo ngại Nga sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga và Nga can thiệp vào Ukraine. Các máy bay Nga tăng cường hoạt động gần biên giới các nước vùng Baltic cũng làm dấy lên lo ngại Nga muốn thử khả năng phòng vệ tập thể của NATO.

Ngày 9-3 tại Washington, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định Mỹ ủng hộ Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về các nước thành viên NATO liên kết với nhau trong trường hợp bị tấn công quân sự.

Từ đầu tháng 2, để đối phó với nguy cơ từ Nga, NATO đã quyết định củng cố sườn phía Đông bằng quyết định thành lập một lực lượng cơ động mới gồm 5.000 quân và sáu trung tâm chỉ huy ở Đông Âu, trong đó có ba nước vùng Baltic.

Trả lời hãng tin AP ngày 10-3, Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig cho biết sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để trao đổi quan điểm, Tổng thống Obama đã quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình hôm 9-3, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết 64 binh sĩ Ukraine thiệt mạng ở miền Đông từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngày 15-2. Còn từ đầu xung đột đến nay đã có 1.549 binh sĩ tử trận. Cùng ngày, quân đội Ukraine lên án lực lượng ly khai dùng xe tăng và trọng pháo 120 mm tấn công gần cảng Mariupol. Trong khi đó, lực lượng ly khai khẳng định đã hoàn thành công tác rút vũ khí hạng nặng trong khi quân đội vẫn chưa làm xong.

 _________________________________

72giờ là thời gian tối đa Litva có thể đương đầu bằng tiềm lực riêng khi bị tấn công trong thời gian chờ cứu viện.

Tổng thống Litva DALIA GRYBAUSKAITE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm