Nam sinh viên bị trục xuất khỏi máy bay vì nói tiếng Ả Rập

Một sinh viên đại học California-Berkeley (Mỹ) gốc Iraq vừa bị trục xuất khỏi một chiếc máy bay của hãng hàng không Southwest Airlines (Mỹ) sau khi đã lên máy bay và ngồi chờ cất cánh. Lý do chỉ vì anh này nói tiếng Ả Rập, theo hãng tin AP (Mỹ).

Sự việc xảy ra đầu tháng này tại sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ), trong lúc sinh viên Khairuldeen Makhzoomi, 26 tuổi đang ngồi đợi máy bay cất cánh bay về TP Oakland.

Máy bay Boeing 737 của hãng Southwest Airlines hạ cánh ở sân bay Chicago. (Ảnh: AP)

Makhzoomi cho biết thời điểm đó anh nói điện thoại với một người chú bằng tiếng Ả Rập, nội dung về việc anh tham dự một buổi diễn thuyết của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Chú anh có một câu hỏi liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS). Cuối cuộc nói chuyện anh có nói từ “inshallah” - có nghĩa giống như “ý Chúa”. Anh cho rằng những điều này đã khiến người xung quanh nghi ngờ.

Nghe xong cuộc điện thoại, một phụ nữ ngồi trước anh trên máy bay bắt đầu nhìn chằm chằm vào anh. Lúc đó anh đã nhận ra nguy cơ rắc rối nhưng hy vọng vị khách này sẽ không làm lớn chuyện.

Nhưng rồi thì anh thấy một nhân viên hãng Southwest Airlines biết tiếng Ả Rập đến gần anh và sau đó hộ tống anh ra khỏi máy bay và truy hỏi tại sao anh nói tiếng Ả Rập.

Nhân viên này đã nổi giận khi anh Makhzoomi nói rằng sở dĩ việc này xảy ra với anh là do tư tưởng ghét Hồi giáo ở Mỹ. Hậu quả là nhân viên này không cho anh quay lại máy bay.

Anh Makhzoomi sau đó phải đặt một chuyến bay của một hãng hàng không khác và trở về nhà sau tám tiếng trễ hơn dự kiến.

Sau khi anh Makhzoomi công khai vụ việc thì trong ngày 17-4, hãng Southwest Airlines cũng ra tuyên bố trần tình sự việc, theo AP.

Theo hãng này thì anh Makhzoomi đúng là có bị hộ tống ra khỏi máy bay để hỏi về việc anh nói tiếng Ả Rập và anh bị lỡ chuyến bay vì chiếc máy bay cất cánh khi cuộc nói chuyện còn chưa xong chứ không phải do hãng cố ý.

Hãng cho biết kể từ sau khi sự việc xảy ra, hãng nhiều lần tìm cách liên lạc với anh Makhzoomi nhưng không được. Hãng cũng không nhận khiếu nại nào từ anh Makhzoomi.

Trả lời điều này, anh Makhzoomi nói với báo New York Times (Mỹ): “Phẩm giá con người là điều quan trọng nhất, chứ không phải tiền bạc. Điều tôi cần là lời xin lỗi và lời hứa đối xử công bằng giữa mọi người với nhau".

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết có nhận được một yêu cầu điều tra vụ việc và đã tiến hành điều tra bước đầu nhưng không thấy gì khả nghi.

Gia đình Makhzoomi rời Iraq năm 2002, sau khi cha anh vốn là một nhà ngoại giao Iraq bị giết chết dưới chế độ Saddam Hussein.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm