Năm 2020: Những biến động từ Biển Đông đến Trung Đông

Thế giới năm 2020 chứng kiến những biến động lớn, không chỉ vấn đề đại dịch COVID-19 mà còn nhiều khủng hoảng khác.
1. Biển Đông tiếp tục dậy sóng
Biển Đông năm 2020 chứng kiến nhiều biến động khi vùng biển giàu tài nguyên ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong cân bằng quyền lực trong khu vực. Hải quân Mỹ đã liên tục hiện diện ở Biển Đông để thách thức Trung Quốc (TQ), như hồi các tháng 1, 3, 4 hay liên tục các tháng cuối năm 2020.
Không chỉ Mỹ, nhiều cường quốc bên ngoài như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu… cũng tiếp cận khu vực Biển Đông mạnh mẽ hơn. Thậm chí, nhiều cường quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách phi pháp của TQ. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN như Malaysia, Indonesia, Việt Nam… đã không ngừng phản đối các hành vi phi pháp của TQ, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Đội tàu sân bay tấn công USS Nimitz trên đường đến Biển Đông tập trận. Ảnh: U.S. NAVY

Trái lại, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành, TQ tiếp tục có nhiều hoạt động phi pháp hoặc gây căng thẳng. Điển hình là đưa vào hoạt động trái phép hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam); đưa tàu hải cảnh quấy phá các nước... 
Trong tháng 9, truyền thông nhà nước TQ cho biết hai tàu sân bay của nước này lần đầu tiến hành tập trận đồng thời cùng nhau trên biển, kể từ khi tàu sân bay Sơn Đông hạ thủy vào tháng 12-2019. Gần đây nhất, phát ngôn viên hải quân TQ hôm 21-12 thông báo đội tàu sân bay Sơn Đông đã “suôn sẻ” đi qua eo biển Đài Loan và trên đường tiến tới Biển Đông để tập trận.
2. Quan hệ Mỹ - Trung xấu chưa từng có
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần khẳng định virus SARS-CoV-2 chính là một sản phẩm từ phòng thí nghiệm của TQ. Sự việc càng nghiêm trọng hơn sau khi ông chủ Nhà Trắng xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 2-10.
Về vấn đề Hong Kong, cuối tháng 6, Bắc Kinh chính thức áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong. Mỹ cho rằng đây là hành động làm xói mòn quyền tự trị của người dân Hong Kong. Ngày 20-8, Mỹ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và ngừng mọi ưu đãi đối với người dân thành phố này. Ngoài ra, phía Mỹ cũng đã trừng phạt nhiều quan chức cấp cao Hong Kong, trong đó có Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga với cáo buộc cản trở các quyền tự do tại đặc khu này.
Đài Loan cũng là điểm nóng. Trong năm 2020, Mỹ thể hiện sự ủng hộ Đài Loan khi hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng. Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy mạnh bán vũ khí cho vùng lãnh thổ này. Điều này đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ TQ.
3. Mỹ và Iran căng thẳng
Có thể nói năm 2020 là một năm đầy chông gai cho quan hệ Mỹ - Iran. Rạng sáng 3-1, Thiếu tướng Qassem Soleimani thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiệt mạng trong vụ không kích ở sân bay quốc tế Baghdad.

Tướng Qassem Soleimani của Iran. Ảnh: REUTERS

Ngay sau đó, Lầu Năm Góc lên tiếng xác nhận Tổng thống Donald Trump là người đích thân chỉ đạo cuộc tấn công này. Việc Mỹ tấn công tướng Soleimani đã mở màn cho những căng thẳng liên tiếp giữa Mỹ và Iran trong năm nay. Cụ thể, ngày 5-1, hãng tin nhà nước Iran IRNA đưa tin chính phủ nước này tuyên bố sẽ chấm dứt mọi cam kết theo kế hoạch hành động toàn diện chung (được biết đến với tên gọi thỏa thuận hạt nhân Iran). Đây là thỏa thuận được ký kết năm 2015 giữa Iran và các nước P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, TQ, Nga, Đức) và Liên minh châu Âu. Quan hệ Mỹ - Iran sau đó trượt dài với vô số sự kiện căng thẳng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm