Năm 2020 kết thúc, quan hệ Mỹ-Trung trượt dài

Tổ chức Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR) vừa công bố báo cáo điểm lại những diễn biến quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung năm 2020. Nhìn chung, so với một năm trước, căng thẳng giữa hai cường quốc này tăng cao hơn khi tiếp tục mắc kẹt trong thương chiến kéo dài, cạnh tranh công nghệ, bất đồng quan điểm về tình hình Tân Cương, Hong Kong, COVID-19 cùng hàng loạt vấn đề khác.

Tiêu điểm

100 
ngày đầu tiên là để nhận ra những lợi ích và sửa chữa các sai lầm trong chính sách của người tiền nhiệm. Phép thử thật sự đối với chính quyền ông Biden là sẽ phải làm gì với TQ trong 1.360 ngày còn lại.
Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR)

COVID-19 chia rẽ Mỹ, Trung
CFR nhận định dịch bệnh COVID-19 xen kẽ với những biến động lớn về chính trị khiến Mỹ và Trung Quốc (TQ) ngày càng rời xa nhau. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cáo buộc TQ phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của đại dịch, đồng thời tuyên bố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con rối của TQ. Nhiều nhà quan sát giải thích thái độ này nhằm chuyển hướng dư luận ra khỏi con số người nhiễm COVID-19 trong nước và các cuộc biểu tình chống bạo lực sắc tộc rầm rộ.
Đại dịch cũng khiến ngày càng nhiều người Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm với TQ. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) vào tháng 10 cho thấy 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực với TQ - tỉ lệ cao nhất kể từ năm 2005.
Còn tại TQ, việc nước này kiểm soát dịch COVID-19 nhanh chóng cùng sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ đã châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên lại. Việc Tổng thống Trump sử dụng cụm từ “virus TQ” khi nói về virus SARS-CoV-2 đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội, dẫn đến việc TQ trục xuất nhiều nhà báo Mỹ. Nhiều phương tiện truyền thông TQ mô tả Mỹ “như một cường quốc đang suy yếu” và là “thế lực đối đầu” với Bắc Kinh. Tỉ lệ người dân TQ có cái nhìn thiếu thiện cảm về Mỹ cũng gia tăng đáng kể so với năm 2019.

Đội danh dự rước cờ Mỹ và Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm thủ đô Washington, D.C. tháng 9-2015. Ảnh: REUTERS 

Cạnh tranh công nghệ tỏa nhiệt
Năm 2020 cũng chứng kiến sự leo thang đáng kể trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trên lĩnh vực công nghệ. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ siết chặt hoạt động của Tập đoàn công nghệ Huawei, cắt đứt các nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei và hạn chế tập đoàn này tiếp cận công nghệ của Mỹ. Chưa hết, chính quyền ông Trump cũng vận động các đồng minh châu Âu không sử dụng mạng 5G của Huawei. Những biện pháp này đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Chiều ngược lại, Bắc Kinh cố gắng giảm thiểu thiệt hại từ các hành động gây sức ép của Washington. Những tháng gần đây, TQ đã công bố một chiến lược mới để duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài. TQ đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp chip điện tử nội địa, chi hàng tỉ USD để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển và khuyến khích các công ty nhỏ tham gia lĩnh vực này.
Theo các nhà phân tích, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và TQ trong lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục trong năm 2021. Chính sách công nghệ của chính quyền ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ mang tính đa phương và gắn kết chặt chẽ hơn. Chính sách này sẽ tập trung phát triển năng lực phát triển trong nước nhưng chắc chắn vẫn hướng vào việc cạnh tranh với TQ. Còn Bắc Kinh sẽ không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy năng lực công nghệ trong nước, giảm các hoạt động trao đổi, mua bán công nghệ với Mỹ.
Hậu quả từ “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc
TQ trong năm 2020 chứng kiến sự hình thành của một thế hệ nhà ngoại giao mới, trẻ tuổi, tham vọng và hiếu thắng hơn, liên tục gây chú ý nhờ những phát ngôn gay gắt nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích quốc gia, đặc biệt là sau khi phương Tây cho rằng TQ nên chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19. Thế hệ mới này, tận dụng lợi thế biết sử dụng mạng xã hội, liên tục phát đi những hình ảnh và thông điệp có lợi cho TQ, sẵn sàng chỉ trích hoặc đe dọa những quốc gia khác. Thậm chí, họ còn yêu cầu những thế hệ đi trước phải nêu cao “tinh thần chiến đấu” mạnh mẽ hơn để đối phó mọi “ý đồ xấu nhằm vào TQ”. Hiện các nhà nghiên cứu trên thế giới gọi hiện tượng này là “ngoại giao chiến lang”.
Lý giải nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại đợi đến năm 2020 mới cho áp dụng rộng rãi chiến lược “ngoại giao chiến lang”, một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump cũng như ông chỉ trích mạnh TQ. Ngoài ra, giới lãnh đạo TQ cũng đang muốn thúc đẩy cái mà họ gọi là “sức mạnh của ngôn từ” để khiến phần còn lại của thế giới phải lắng nghe quan điểm của họ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng giọng điệu cứng rắn sẽ làm nổi bật được sức mạnh của quốc gia và bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn, buộc những nước khác phải tôn trọng mình.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao này sau một năm triển khai dường như không gặt hái được thành công như mong đợi. Những quốc gia đối đầu với Bắc Kinh không cảm thấy lo sợ mà thậm chí lập trường của họ còn ngày càng cứng rắn hơn. Úc, Ấn Độ và Mỹ là những ví dụ điển hình. Mặt khác, TQ cũng từng tuyên bố rằng “ngoại giao chiến lang” chỉ là cách mà nước này phản ứng trước những đòn tấn công ngoại giao từ những nước khác, tức hoàn toàn chỉ mang tính phòng thủ. Tuy nhiên, CFR cho rằng nếu chiến lược này thời gian qua chỉ để phòng thủ thôi thì nó đã thất bại hoàn toàn vì chẳng những không làm cho nước khác có cái nhìn tích cực hơn về TQ mà còn khiến những nước lâu nay thiện cảm trở nên e dè hơn. Nói như cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, TQ nên từ bỏ “ngoại giao chiến lang” nếu còn muốn có bạn trên trường quốc tế.•
Ông Biden trước nhiệm kỳ mới đầy cơ hội
CFR cho biết ông Trump đang chạy đua để bảo vệ các di sản ngoại giao, mà chính sách về TQ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Sau cuộc bầu cử tổng thống, các quan chức trong chính quyền ông Trump đã thực hiện nhiều động thái cứng rắn liên quan đến Đài Loan, Biển Đông… nhằm thúc đẩy một số lượng lớn sáng kiến mà họ đã xây dựng bốn năm qua.
Nhìn lướt qua, có vẻ như những nỗ lực vào phút cuối này sẽ gây khó khăn cho việc điều hành của chính quyền ông Biden nhưng thực tế thì ngược lại. Theo các nhà phân tích, chính quyền ông Trump càng áp dụng nhiều chính sách cứng rắn với TQ thì lại càng tạo ra nhiều thuận lợi cho tân tổng thống.
Chính quyền ông Biden sẽ là bên quyết định giữ lại bao nhiêu phần trăm di sản mà đội ngũ của ông Trump xây dựng. Một số quyết định, chẳng hạn như việc có nên tiếp tục duy trì mức thuế đánh lên 370 tỉ USD hàng hóa TQ hay không, dĩ nhiên sẽ phải cần nhiều thời gian cân nhắc. Việc dỡ bỏ các lệnh áp thuế quá nhanh sẽ khiến chính quyền mới bị cho là quá “mềm yếu” trước TQ.
Các động thái khác, trong đó có việc củng cố nhóm “Bộ tứ kim cương” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trừng phạt những quan chức TQ liên quan đến vấn đề Hong Kong, Tân Cương có thể tiếp tục được duy trì. Chính quyền ông Biden có thể nhanh chóng giành được một số thành tựu bằng cách lấp đầy những lỗ hổng mà đội ngũ của ông Trump đã tạo ra khi ông Trump đi ngược lại với nhiều chính sách truyền thống của Mỹ. Liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia các thỏa thuận, hợp tác với đồng minh châu Âu, củng cố vị thế của Mỹ và tái thiết quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Biden.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm