Mỹ-Trung bằng mặt không bằng lòng

Báo Japan Times (Nhật) ngày 30-7 đưa tin tại cuộc họp báo hôm 29-7 ở Singapore nhân cuộc tập trận “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT) bắt đầu, Phó Đô đốc hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas nhận định Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Vòng tròn Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 là một bước tiến làm giảm căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, báo Stars and Stripes (Mỹ) nhận định Mỹ và Trung Quốc bằng mặt chứ chưa hẳn bằng lòng, hai nước vẫn nghi ngờ nhau khi Trung Quốc dự tập trận RIMPAC nhưng lại đưa tàu trinh sát đến Hawaii.

Tại cuộc họp báo ở Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 29-7 (giờ địa phương), Đô đốc Samuel Locklear III, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, nhận xét có thể xem hành động triển khai tàu trinh sát của Trung Quốc là tin tốt khi đây là cơ hội để Mỹ cho Trung Quốc biết rõ hải quân Mỹ hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Dù vậy, ông nhận định hành động này là điều lạ và Mỹ sẽ quan sát cuộc tập trận “Cá voi xanh” của hải quân Trung Quốc trên biển Đông.

Phó Đô đốc Mỹ Robert Thomas và chuẩn đô đốc Singapore Timothy Lo (phải) tại lễ khai mạc cuộc tập trận kéo dài 11 ngày trên biển Đông bắt đầu từ ngày 29-7. Ảnh: CHÍNH PHỦ SINGAPORE

Thái độ lo ngại của Mỹ với Trung Quốc thể hiện rõ tại Diễn đàn an ninh Aspen tại TP Aspen thuộc bang Colorado (Mỹ) từ ngày 23 đến 26-7.

Đây là diễn đàn về an ninh thường niên của Mỹ, tập trung các quan chức và cựu quan chức chính phủ Mỹ ở các cơ quan an ninh quốc gia, lãnh đạo các ngành công nghiệp an ninh quốc phòng và các tổ chức nghiên cứu an ninh.

Trang tin Washington Free Beacon (Mỹ) cho biết tại diễn đàn, Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nhận xét chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đang diễn ra rất nhanh và rất đáng lo ngại.

Khi báo chí hỏi lo ngại nhất đối với vũ khí Trung Quốc là gì, ông nói đó là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý tên lửa đạn đạo Đông Phong-21D của Trung Quốc có thể tấn công đến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận quá trình phát triển tên lửa của Trung Quốc diễn ra nhanh về số lượng cũng như tầm bắn và nhanh hơn đà hiện đại hóa chung của quân đội.

Theo Trung tâm Tình báo Không quân Mỹ, Trung Quốc có tổng cộng 14 loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, năm loại tên lửa đạn đạo tầm trung và hai loại tên lửa đạn đạo chống mục tiêu mặt đất.

Đô đốc Jonathan Greenert thừa nhận Mỹ chỉ có thể đối phó với tên lửa Đông Phong-21D bằng cách phá rối hoạt động cảm biến và viễn thông dùng định hướng tên lửa.

Ông là quan chức quân đội Mỹ đầu tiên được Trung Quốc cho phép thị sát tàu sân bay Liêu Ninh trong chuyến thăm Trung Quốc hồi giữa tháng 7.

Tại Diễn đàn an ninh Aspen, ông nhận xét tàu sân bay Liêu Ninh dù được tân trang song vẫn to lớn và nặng nề, không có khả năng tác chiến thực sự và Trung Quốc chưa thể tổ chức không kích từ tàu này.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã từng đề nghị ông cho phép các chuyên gia hải quân Trung Quốc tham quan tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, ông nói Mỹ chưa sẵn sàng cho điều này.

Ông cho rằng Trung Quốc muốn học hỏi kỹ thuật tàu sân bay Mỹ để thúc đẩy thực hiện tốt hơn chương trình phát triển tàu sân bay.

ĐĂNG KHOA

EU phản đối dùng vũ lực trên biển Đông

Báo Philstar (Philippines) ngày 30-7 đưa tin hôm 29-7 tại Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã hội đàm với Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton. Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của bà Catherine Ashton. Hai bên đã thảo luận về tăng cường mối liên kết kinh tế giữa EU và Philippines, tình hình an ninh khu vực và tiến trình đàm phán hòa bình với quân nổi dậy ở Mindanao (miền Nam Philippines).

Phát biểu với báo chí sau hội đàm, Cao ủy EU Catherine Ashton tuyên bố EU phản đối sử dụng vũ lực trên biển Đông, đồng thời khuyến khích các bên tranh chấp ở biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển.

Bà khẳng định EU tự hào là một bên đối tác của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (ký kết năm 1976), lập trường của EU là không tham gia trực tiếp vào tranh chấp nhưng kêu gọi sử dụng các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình, tiến tới hợp tác một cách hiệu quả giữa các bên.

Bà cho biết hội nghị bộ trưởng EU-ASEAN lần thứ 20 tại Brussels (Bỉ) hồi tuần trước đã đạt kết quả tốt đẹp. Tuyên bố của đồng chủ tịch hội nghị bộ trưởng EU-ASEAN nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và tự do bay qua, kiềm chế sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

DUY KHANG

Các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông từ ngày 29-7 đến 2-8 không phải là điều bất ngờ. Trung Quốc sẽ tiếp tục khua chuông gõ trống biểu trưng sức mạnh hải quân với các nước trong khu vực và các cuộc tập trận tiếp theo sẽ còn phức tạp hơn.

Phó Đô đốc Mỹ ROBERT THOMAS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm