Mỹ-Triều Tiên: Các nỗ lực có thể quay về số không?

Sáng 25-7, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định CHDCND Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay nghi là tên lửa tầm ngắn từ khu vực thị trấn Wonsan ra biển Nhật Bản. JCS cho biết một tên lửa bay khoảng 430 km, quả còn lại bay 690 km.

Trước đó, vào ngày 16-7, Triều Tiên lên tiếng cảnh báo cuộc tập trận Hàn-Mỹ Dong Maeng vào tháng 8 sắp tới sẽ làm tổn hại đến những thành quả đạt được sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại biên giới hai miền Triều Tiên hôm 20-6. Hai lãnh đạo khi đó đã cam kết nối lại đàm phán tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên lo ngại

Theo tờ The Washington Post, những diễn biến mới đây trên bán đảo Triều Tiên đã phần nào ảnh hưởng đến tâm thế lạc quan của giới chức Washington và Bình Nhưỡng về kết quả của cuộc gặp 30-6.

Một quan chức Mỹ nhận định nhiều khả năng ý đồ của Triều Tiên khi phóng tên lửa là nhằm “thách thức” sự kiên nhẫn của ông Trump, khi chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố đã thành công trong việc ngăn Triều Tiên thử tên lửa và bắn xuống khu vực biển Nhật Bản. Hành động này lâu nay đã khiến chính quyền Tokyo rất phật lòng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã gọi vụ phóng ngày 25-7 của Bình Nhưỡng là “rất đáng tiếc”.

PGS an ninh quốc tế Vipin Narang thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã chứng tỏ “chuyến đi của ông Trump đến Bàn Môn Điếm vẫn chưa cho thấy hiệu quả như mong đợi”. Trong khi đó, quan điểm của một số chuyên gia khác lại cho rằng rất có thể động thái của Triều Tiên không phải là một lời tuyên bố ngừng đối thoại với Washington mà thực chất là một màn phô diễn sức mạnh và là một mánh khóe đàm phán.

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 25-7 của Triều Tiên trên tivi. Ảnh: AP

“Triều Tiên có thể đã đánh giá cuộc gặp hôm 30-6 là bằng chứng cho thấy người Mỹ quá mong muốn (một kết quả). Phản ứng tự nhiên của con người khi cảm nhận ai đó quá dồn dập sẽ là lùi ra xa một chút và xem có thể nhận được thêm điều gì khác không” - chuyên gia về Triều Tiên Scott Snyder thuộc Viện Nghiên cứu Council on Foreign Relations giải thích.

Giám đốc Chương trình châu Á của Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson Abraham Denmark nhấn mạnh: “Bên cạnh những thắc mắc về chiến thuật của Triều Tiên, những động thái gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy nước này vẫn còn có thể là một mối đe dọa (với Mỹ)”. Theo quan điểm của ông, có lẽ Triều Tiên phóng tên lửa để thúc giục Washington chủ động hơn trên bàn đàm phán.

Dù vậy, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington cho rằng không nên quá ngạc nhiên về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên khi nước này đã tỏ thái độ không hài lòng với cuộc tập trận Mỹ-Hàn sắp tới. Theo đó, Bình Nhưỡng luôn cho rằng bất kỳ động thái quân sự chung nào giữa Seoul và Washington đều vi phạm các cam kết hòa bình nhằm mục đích xâm lược Triều Tiên.

Trước vụ việc hôm 25-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên “trân trọng những cơ hội hiếm hoi để đối thoại và giảm thiểu căng thẳng”. Nước này cũng cho rằng Mỹ và Triều Tiên nên bày tỏ sự chân thành và góp phần giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. 

Bình Nhưỡng muốn “nắn gân” Cố vấn John Bolton?

Trong một bài viết đăng trên trang tin Vox, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft Alex Ward cho rằng thực chất ẩn sau hai quả tên lửa vừa phóng lên còn có một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Được đánh giá là một trong những quan chức cứng rắn nhất trong chính quyền Trump, ông hiện đang có chuyến thăm đến Hàn Quốc để giải quyết tranh chấp thương mại giữa nước này và Nhật Bản. Ông Ward khẳng định đây không hoàn toàn là trường hợp ngẫu nhiên.

“Trước khi đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton đã tỏ ý ủng hộ phương án tấn công quân sự Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách gọi ông là “con người tồi tệ” bên cạnh nhiều biệt danh không hay ho khác trong nhiều năm qua (...) số tên lửa lần này đơn giản là một lời chỉ trích đến một người mà họ rất, rất không ưa” - Phó Giám đốc Alex Ward giải thích.

Dù vậy, ông cũng không phủ nhận việc Triều Tiên đang tỏ thái độ không hài lòng về tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa hiện tại. Tuy nhiên, với việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa quá gần với Hàn Quốc, địa điểm mà một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đang hiện diện, Tổng thống Donald Trump vẫn có khả năng sẽ cân nhắc lại về lập trường thân thiện hiện tại với Triều Tiên. Khi điều đó xảy ra, căng thẳng Mỹ-Triều chắc chắn sẽ quay trở lại.  

“Bây giờ mọi chuyện phụ thuộc vào ông Trump có quyết định đáp trả hay không. Sau vụ thử tên lửa tầm ngắn hồi tháng 5-2019, tổng thống Mỹ khẳng định ông không chỉ quan tâm nếu đó là tên lửa tầm xa. Phát ngôn của ông dường như đã bật đèn xanh cho Triều Tiên thực hiện thêm vụ thử tên lửa tầm ngắn như hôm 25-7” - ông Ward cho biết.

Hàn Quốc nói tên lửa Triều Tiên vừa phóng là loại hoàn toàn mới

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ một quan chức Hàn Quốc cho biết một trong hai tên lửa mà Triều Tiên bắn ra biển Nhật Bản vào sáng 25-7 đã bay được tới 690 km và là một “loại tên lửa mới” mà JCS chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn cần thêm thời gian để đánh giá. Một số chuyên gia cho rằng tên lửa trong vụ phóng ngày 25-7 có nhiều điểm tương đồng với phiên bản tên lửa xuất hiện trong vụ thử hồi tháng 5, vốn dựa trên mẫu tên lửa Iskander của Nga.

Chuyên gia Adam Mount thuộc Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ (FAS) nhận định sự xuất hiện của một loại tên lửa tầm ngắn mới là điều đáng lo ngại, do những thiết bị như vậy thường được xem là “vũ khí dùng để tấn công phủ đầu”.

“Nếu nó chuyển ở tầm thấp và có tốc độ nhanh, nó rút ngắn thời gian ra cảnh báo và quyết định. Những loại vũ khí như vậy rất tốt khi dùng để trả đũa trong một tình huống trả đũa nhưng thậm chí còn thích hợp hơn nữa khi tấn công phủ đầu” - ông Mount chia sẻ với hãng tin CNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm