Mỹ-Triều: Cửa thành công rất lớn!

Giờ G đang tới, cả thế giới hướng về Singapore - nơi sẽ diễn ra thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều sáng nay, 12-6. Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khách sạn Shangri-La. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khách sạn St. Regis. Hai ông sẽ gặp thượng đỉnh ở khách sạn Capella ở Sentosa vào 9 giờ sáng (giờ Singapore, tức 8 giờ sáng Việt Nam).

Đi cùng ông Kim đến Singapore có nhiều quan chức hàng đầu Triều Tiên. Trong số này có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, người vừa sang Mỹ gặp ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoài ra còn có Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-jong phụ trách các vấn đề quốc tế; Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân No Kwang-chol; bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim.

Tháp tùng ông Trump có Ngoại trưởng Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders. Trong số này đáng chú ý ông Bolton vốn có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên. Tháng trước, Triều Tiên đã nổi đóa vì lời nói của ông Bolton muốn thương lượng giải trừ hạt nhân Triều Tiên theo “kiểu mẫu Libya”. Vì sự nổi đóa này mà ông Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh. May mắn kế hoạch thượng đỉnh sau đó đã được khôi phục nhờ nỗ lực làm hòa của Triều Tiên.

Suôn sẻ đến phút cuối

Các nhà quan sát đến tận ngày 11-6 vẫn chưa thể chắc chắn hai bên có thể đạt được thỏa thuận lịch sử về giải trừ hạt nhân và đảm bảo an ninh hay không. Tuy nhiên, theo Yonhap (Hàn Quốc), các diễn biến mới nhất từ cả hai bên cho thấy cuộc gặp khả năng lớn sẽ thành công. Ngày 11-6, hai phái đoàn cấp làm việc Mỹ-Triều gặp nhau lần nữa tại Singapore khẩn trương thống nhất kế hoạch lần cuối.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trưa 11-6, ông Trump tin tưởng cuộc gặp với ông Kim sẽ diễn ra “rất dễ chịu”. Trước đó, bước xuống sân bay căn cứ không quân Paya Lebar tối 10-6, ông Trump cho biết cảm thấy “rất tốt” về thượng đỉnh sắp tới. Câu này có thể là cách nói lạc quan thường thấy của ông Trump nhưng theo các nhà quan sát, từ thái độ này có thể đoán kết quả tiến trình đối thoại về giải trừ hạt nhân giữa các cấp làm việc hai bên không thất vọng. Trong khi đó, thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA sáng 11-6 đưa tin chi tiết chuyến đi của ông Kim đến Singapore, giờ đến cũng như kế hoạch gặp ông Trump. KCNA cũng nói cụ thể ông Kim và ông Trump sẽ bàn về hai vấn đề chính: Giải trừ hạt nhân và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm nay (12-6) tại Singapore. Ảnh: AP

Lạc quan từ thái độ hai bên

Theo các nhà quan sát, chuyện KCNA đưa tin trước về lịch trình của ông Kim là bất thường, đặc biệt khi ông Kim đang ở nước ngoài. Trước đó, ông Kim từng hai lần đến Trung Quốc nhưng KCNA chỉ đưa tin sau khi ông trở về Bình Nhưỡng. Từ động thái này có thể thấy Triều Tiên mong chờ kết quả thành công từ thượng đỉnh, cũng như cho thấy ông Kim yên tâm với an ninh đất nước trong thời gian ông vắng mặt.

Một bản tin khác từ Bình Nhưỡng rằng Chủ tịch Đoàn Chủ tịch HĐND Tối cao Triều Tiên Kim Jong-nam đã nói ông Kim cố gắng đạt được kết quả tốt tại thượng đỉnh với Mỹ cũng được các nhà quan sát lưu ý.

Vẫn còn nhiều nghi ngờ, lo ngại nhưng vẫn có không ít nhà quan sát lạc quan rằng ông Kim đã sẵn sàng đổi hạt nhân lấy an ninh kinh tế cho 25 triệu dân Triều Tiên.

Một phân tích gần đây của tổ chức địa chính trị Stratfor (Mỹ) dựa trên các cuộc đối thoại với Triều Tiên cho thấy “Bình Nhưỡng thật sự nghiêm túc với thượng đỉnh, xem đây là cơ hội duy nhất gặp gỡ Tổng thống Trump”. Theo các nhà phân tích Straifor, Triều Tiên đang mong chờ Mỹ hỗ trợ kinh tế cụ thể về khai khoáng, khai mỏ, công nghệ thông tin cũng như nhiều đầu tư khác.

Độ tuổi 34 của ông Kim cũng là một lý do để các nhà quan sát lạc quan. Tuổi trẻ luôn thừa khát khao thay đổi và sự dũng cảm. Thêm nữa, với tuổi 34, ông Kim có thể nhận thấy ngoại giao là cách tốt nhất để ông duy trì quyền lực, thậm chí sau khi hai ông Moon và Trump ra đi.

Không chỉ là thượng đỉnh

Theo chuyên gia không phổ biến hạt nhân Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ), muốn thượng đỉnh thành công, hai ông Trump và Kim cần thống nhất khung thương lượng, chi tiết và thời gian các bước hành động cụ thể.

Theo nguồn tin của Chosun Ilbo (Hàn Quốc), trong lá thư gửi đến ông Trump đầu tháng này, ông Kim mời ông Trump sang Bình Nhưỡng gặp thượng đỉnh lần hai. Kyodo News (Nhật) cũng xác nhận thông tin này, nói thêm rằng tùy vào kết quả thượng đỉnh lần một hôm nay và lần hai vào tháng 7 mà hai ông Trump và Kim có thể sẽ còn gặp thượng đỉnh lần ba vào tháng 9 tới.

Lúc còn ở Canada dự hội nghị G7 ngày 9-6, ông Trump nói thượng đỉnh 12-6 chỉ nhằm thiếp lập quan hệ với ông Kim và tiến trình thương lượng sẽ kéo dài “hơn một cuộc gặp thượng đỉnh”.

Nhóm vệ sĩ bảo vệ ông tại Singapore lần này cũng là nhóm vệ sĩ đã bảo vệ ông trong lần gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên tại Bàn Môn Điếm ngày 27-4. Quang cảnh được nhìn thấy tại sân bay Changi lúc ông Kim đến trưa 10-6 cũng tương tự cảnh đã diễn ra ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 4. Một nhóm nam giới mặc vest đen dùng thân mình tạo thành một tấm chắn bao quanh chiếc xe limousine Mercedes-Benz màu đen chở ông Kim.

Tại sảnh chờ khách sạn St. Regis nơi ông Kim ở, các vệ sĩ đã khuyến cáo các khách ở khách sạn không chụp ảnh ông. Phát hiện một cặp đôi chụp ảnh ông Kim, các vệ sĩ yêu cầu được kiểm tra điện thoại rồi xóa các bức ảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm