Mỹ-Pháp bất đồng tại Liên Hợp Quốc về xung đột Israel-Hamas

Hãng AFP ngày 20-5 đưa tin xung đột tại Trung Đông đã làm dấy lên sự bất hòa trong mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Pháp tại Liên Hợp Quốc (LHQ), căng thẳng đầu tiên giữa hai đồng minh kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Trước sự phản đối của Mỹ, Pháp hôm 18-5 tiếp tục đề xuất một dự thảo nghị quyết để trình lên Hội đồng Bảo an LHQ nhằm kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa Israel và lực lượng Hamas, cũng như triển khai hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza.

Mỹ-Pháp bất đồng tại Liên Hợp Quốc về xung đột Israel-Hamas. Ảnh: AFP

Thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết tương tự, cho biết Washington đang theo đuổi cách tiếp cận khác để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Đề xuất mới nhất của Pháp - được công bố vào tối 18-5 từ Paris - đã nhanh chóng vấp phải phản ứng cứng rắn từ Mỹ, báo hiệu rằng Washington sẽ sử dụng quyền phủ quyết một lần nữa nếu cần.

Trao đổi với AFP, người phát ngôn của Mỹ tại LHQ cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực, đồng thời sẽ không ủng hộ những hành động mà chúng tôi tin rằng đang làm suy yếu nỗ lực giảm leo thang".

Ông Biden hôm 19-5 tuyên bố đã trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng ông mong đợi "sự giảm leo thang đáng kể", động thái cho thấy cách tiếp cận tương phản giữa Mỹ và Pháp đối với cuộc xung đột.

Tuy nhiên, Pháp không gợi ý bất kỳ thời điểm nào cho việc tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết do nước này đề xuất, và bản dự thảo dường như vẫn chưa được lưu hành rộng rãi trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên.

Động thái này dấy lên nhiều quan điểm cho rằng Pháp đang cố gây thêm áp lực với Mỹ, hoặc để nhấn mạnh rằng ông Biden không thực hiện cam kết sẽ theo đuổi cách tiếp cận đa phương trong các vấn đề quốc tế so với người tiền nhiệm Donald Trump.

AFP dẫn lời một đại sứ LHQ cho biết: “Có một chút kỳ lạ khi tất cả chúng ta đều mong đợi Mỹ sẽ quay trở lại con đường ngoại giao đa phương. Chúng tôi cũng nghĩ rằng Mỹ sẽ muốn thể hiện vai trò của Hội đồng Bảo an trong những tình huống như thế này".

Phát biểu trước Quốc hội hôm 19-5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết "lập trường của Mỹ sẽ khá quyết liệt. Đúng là chúng ta đang thấy Mỹ đi sau một chút trong những vấn đề này".

Theo AFP, căng thẳng hiện hữu giữa Pháp và Mỹ có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Trong tuần này, hai nước cũng bất đồng về việc có nên hỗ trợ cho tổ chức chống Hồi giáo cực đoan G5 Sahel ở Tây Phi hay không.

Là quốc gia tham gia nhiều về chính trị và quân sự ở khu vực này, Pháp nhiều năm qua đã vận động LHQ ủng hộ về tài chính, hậu cần và chiến dịch cho lực lượng 5.000 binh sĩ từ các quốc gia Niger, Chad, Mauritania, Mali và Burkina Faso. 

Chính quyền của Tổng thống Trump đã dứt khoát từ chối và Pháp hy vọng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền của ông Biden. Tuy nhiên, Mỹ lại phản đối lập trường của Pháp, thay vào đó ủng hộ hỗ trợ song phương.

Liên quan vấn đề Trung Đông, Hội đồng Bảo an đang hứng nhiều chỉ trích vì chưa đưa ra một tuyên bố chung, khi Mỹ - một đồng minh chủ chốt của Israel - đã ba lần từ chối các dự thảo tuyên bố do Trung Quốc, Na Uy và Tunisia đề xuất. 

Khi Pháp công bố dự thảo đề xuất của mình, Điện Elysee hôm 18-5 tuyên bố "vụ nổ súng phải dừng lại, đã đến lúc ngừng bắn và Hội đồng Bảo an LHQ phải vào cuộc".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm