Mỹ-Hàn thiếu tiếng nói chung về Triều Tiên

Các đe dọa gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Triều Tiên đang làm Seoul lo ngại. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14-8 lên tiếng đề nghị cả Mỹ và Triều Tiên kiềm chế. Ông tái khẳng định vấn đề tên lửa, hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình. Bộ Thống nhất Hàn Quốc trước đó tuyên bố sẽ xem xét mọi biện pháp giảm căng thẳng để mở khả năng đối thoại với Triều Tiên.

Seoul lo lắng vì đồng minh

Đại sứ đặc mệnh Hàn Quốc chuyên trách an ninh quốc tế Moon Chung-in, một cố vấn thân cận của ông Moon Jae-in, ngày 13-8 cũng công khai chỉ trích các đe dọa của ông Trump đang đổ thêm dầu vào lửa. Ông cho biết trong cuộc điện đàm đầu tuần qua, Tổng thống Moon đã gửi thông điệp mong muốn ông Trump hạ giọng. Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau cuộc điện đàm này, ông Trump bất ngờ đe dọa nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ” chưa từng thấy. Diễn biến này khiến Hàn Quốc lo lắng. Không ngoài dự đoán, Triều Tiên phản ứng mạnh, từ đe dọa nã tên lửa hướng đến đảo Guam đến cảnh báo gần 3,5 triệu dân Triều Tiên đã xin nhập ngũ.

Đại sứ Moon Chung-in cho rằng Washington đang thiếu rõ ràng về vấn đề Triều Tiên, đưa ra các tín hiệu mâu thuẫn, không rõ Mỹ muốn đối thoại hay chọn con đường lật đổ Bình Nhưỡng. Đây không phải là lần đầu ông Trump khiến người đồng cấp Hàn Quốc bất mãn. Tổng thống Mỹ đã từng yêu cầu Seoul phải trả “phí” bảo vệ, cụ thể là chi phí lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford (trái) gặp Bộ trưởng Hàn Quốc Song Young-moo ngày 14-8. Ảnh: AP

Lãnh đạo quân đội Mỹ trấn an

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford ngày 14-8 đã đến Hàn Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, ông Dunford cũng cố gắng truyền tải thông điệp trấn an và nỗ lực hàn gắn rạn nứt giữa hai đồng minh quanh vấn đề Triều Tiên. Mục đích chuyến đi của tướng Dunford là nhằm “ủng hộ chiến dịch ngoại giao của Ngoại trưởng Rex Tillerson nhằm kiềm chế Triều Tiên” chứ không cổ súy sử dụng vũ lực, theo CNN.

Còn theo Wall Street Journal, trước khi sang Hàn Quốc, tướng Dunford cho biết Mỹ dù xem xét các phương án quân sự nhưng hiện tại vẫn tập trung vào ngoại giao và tăng áp lực kinh tế để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Theo nhiều quan chức cấp cao Mỹ, sẽ không có chuyện Triều Tiên hay Mỹ khơi mào xung đột dù hai bên đều đưa ra các lời lẽ cứng rắn. Giám đốc CIA Mike Pompeo nhận định Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thử tên lửa nhưng tấn công Mỹ thì Bình Nhưỡng sẽ không dám. Còn theo Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, thông điệp quân đội Mỹ “đạn đã lên nòng” của ông Trump là một thực tế diễn ra mỗi ngày, không phải để chỉ đích danh Triều Tiên.

Mỹ-Hàn đang ráo riết chuẩn bị cuộc tập trận chung Người bảo vệ tự do Ulchi (từ ngày 21 đến 31-8). Vốn xem hoạt động này là diễn tập xâm lược, Bình Nhưỡng ngày 14-8 cũng đã phát cảnh báo mọi sai lầm đều có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Yonhap cho biết Triều Tiên vừa triệu hồi đại sứ tại một số nước lớn - trong đó có Nga, Trung Quốc và LHQ - về nước họp. Nội dung cuộc họp này có thể liên quan đến việc Triều Tiên bị nghi sẽ thử hạt nhân, tên lửa, thậm chí có hành động quân sự.

Hình ảnh vệ tinh trang 38 North vừa công bố cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho thử các tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Các hình ảnh này công khai vị trí ba tàu ngầm tấn công lớp Romeo và một tàu ngầm lớp Sango tại căn cứ tàu ngầm Mayyang-do. Mục đích cho lần thử tới này có thể kiểm tra một phiên bản tiên tiến hơn của tên lửa SLBM Pukguksong-1 đã thử thành công ngày 24-8-2016.

______________________________

Chúng tôi nghĩ chính phủ Mỹ đã đi từ “kiên nhẫn chiến lược” của chính phủ Obama sang “rối loạn chiến lược”. Hy vọng ông Trump thay đổi cách tiếp cận Triều Tiên, có được kỹ năng ngoại giao đối phó khủng hoảng.

MOON CHUNG-IN, Đại sứ đặc mệnh Hàn Quốc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm