Myanmar yêu cầu giám đốc các hãng viễn thông không tự ý xuất cảnh

Hãng tin Reuters ngày 5-7 đưa tin chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu giám đốc điều hành người nước ngoài của các công ty viễn thông lớn tại Myanmar không rời khỏi nước này khi chưa được chính quyền cho phép.

Theo nguồn tin nắm rõ về vấn đề, Bộ Bưu chính viễn thông Myanmar (PTD) đã ra thông báo này từ giữa tháng 6, trong đó yêu cầu các giám đốc điều hành, gồm cả người nước ngoài và người Myanmar, phải có giấy phép đặc biệt mới có thể xuất cảnh.

Myanmar yêu cầu giám đốc các hãng viễn thông không tự ý xuất cảnh. Ảnh: REUTERS

Một tuần sau đó, các công ty viễn thông nhận được lá thư thứ hai từ PTD cho biết các công ty có thời hạn đến ngày 5-7 để triển khai đầy đủ công nghệ về phần mềm theo dõi mà họ được yêu cầu trước đó.

Người phát ngôn của chính quyền quân sự chưa đưa ra bình luận liên quan thông tin trên. 

Theo Reuters, chính quyền quân sự chưa bao giờ bình luận về các chương trình giám sát điện tử, song từng tuyên bố ngay sau cuộc chính biến rằng sẽ thông qua dự luật an ninh mạng.

Theo dự luật, các nhà cung cấp viễn thông phải cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu, và loại bỏ hoặc chặn bất kỳ nội dung nào ảnh hưởng đến "hòa bình, ổn định và sự thống nhất" ở Myanmar.

Lệnh cấm của PTD nhằm gây sức ép buộc các công ty viễn thông phải hoàn tất việc kích hoạt công nghệ phần mềm gián điệp, song không nêu rõ lý do, nguồn tin tiết lộ.

Reuters cũng dẫn ba nguồn tin khác cho biết giới chức trách đã gia tăng sức ép buộc các công ty phải thực hiện việc nghe lén, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. 

Theo hai nguồn tin khác, các quan chức chính quyền quân sự đã cảnh báo các công ty viễn thông nhiều lần rằng không được thông báo với công chúng hoặc với giới truyền thông về vấn đề này.

Sau chính biến, chính quyền quân sự Myanmar đã yêu cầu cắt quyền truy cập internet và đến nay tình trạng internet tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa được thiết lập lại hoàn toàn.

Hôm 2-7, công ty viễn thông Telenor (Na Uy) cho biết đang đánh giá tương lai hoạt động của công ty tại Myanmar. Reuters dẫn một nguồn tin tiết lộ Telenor đang xem xét việc bán chi nhánh ở Myanmar.

Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi quân đội nước này ngày 1-2 bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo chính quyền dân sự của nước này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 1-7 đã thúc giục quân đội Myanmar trả tự do cho bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.

Chính quyền quân sự Myanmar hôm 30-6 đã thả tổng cộng 2.296 người biểu tình phản đối chính biến, bao gồm những nhà báo đưa tin chỉ trích về tình trạng bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar đối với người biểu tình.

Cùng ngày, chính quyền quân sự cũng đưa ra cảnh báo với các phương tiện truyền thông nước ngoài, yêu cầu không sử dụng cụm từ “chính quyền quân sự”.

Theo một nhóm quan sát địa phương, hơn 880 thường dân đã thiệt mạng và gần 6.500 người bị bắt giữ vì phản đối chính biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm