Myanmar mâu thuẫn trong việc xác định người đại diện ở LHQ

Hãng tin AFP cho biết trong ngày 2-3 chính quyền quân sự Myanmar và Đại sứ nước này ở Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về việc ai sẽ đại diện cho quốc gia này tại LHQ.

Theo đó, trong lá thư gửi Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 2-3, Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun tuyên bố ông vẫn là đại diện hợp pháp của đất nước mình tại LHQ.

"Những kẻ gây ra cuộc chính biến bất hợp pháp chống lại chính quyền dân chủ Myanmar không có thẩm quyền hợp pháp của tổng thống đất nước tôi" - ông Moe Tun nói, đề cập đến cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

"Do đó, tôi muốn xác nhận với các bạn rằng tôi vẫn là đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc" - ông khẳng định thêm.

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun tuyên bố ông vẫn là đại diện hợp pháp của đất nước mình tại LHQ. Ảnh: CNA

Trước đó, hôm 27-2, truyền hình nhà nước Myanmar tuyên bố ông Moe Tun đã bị sa thải vì phản bội đất nước, một ngày sau khi ông kêu gọi quốc tế sử dụng "bất kỳ biện pháp cần thiết nào" để đảo ngược cuộc chính biến ngày 1-2 và trả tự do cho bà Suu Kyi.

Bộ Ngoại giao Myanmar trong bức thư gửi tới LHQ hôm 2-3 cũng khẳng định ông Moe Tun đã bị cách chức, AFP đưa tin.

"Bộ Ngoại giao Myanmar muốn thông báo rằng chính quyền nhà nước đã chấm dứt nhiệm vụ và trách nhiệm của Đại sứ Kyaw Moe Tun" - thông báo của chính quyền quân sự Myanmar gửi lên LHQ viết.

"Hiện tại, ông Tin Maung Naing, cấp phó của ông Kyaw Moe Tun, đã được chỉ định làm quyền đại sứ Myanmar tại LHQ" - thông báo cho biết thêm.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric trong một cuộc họp báo sau đó nói rằng ông đã nhận được hai bức thư "trái ngược nhau".

“Chúng tôi đang xem xét những bức thư đó, xác định sự thật thế nào rồi mới đưa ra quyết định sẽ làm gì” - ông Dujarric nói.

Theo quy định của Đại hội đồng LHQ, các giấy ủy nhiệm phải được người đứng đầu nhà nước hay chính phủ hoặc bộ trưởng ngoại giao của nước đó trình lên. Thông tin bổ nhiệm gửi đến LHQ hôm 2-3 là từ Bộ Ngoại giao Myanmar nhưng không có chữ ký.

Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric. Ảnh: UNITED NATIONS

Trong bức thư của mình, ông Moe Tun còn lưu ý rằng Tổng thống Myanmar Win Myint và bà Suu Kyi đã chỉ định ông vào chức vụ này năm 2020 và họ vẫn đang giữ vai trò hợp pháp do dân bầu của mình.

Chính quyền Mỹ sau đó đã thể hiện sự ủng hộ với ông Moe Tun và ca ngợi "sự dũng cảm" của ông: “Chúng tôi hiểu rằng người đại diện thường trực của Myanmar ở LHQ vẫn còn tại vị".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối cuộc chính biến quân sự này và sẽ tiếp tục ủng hộ việc khôi phục chính phủ hợp pháp do dân bầu ở Myanmar" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Theo ông Dujarric, đặc phái viên LHQ tại Myanmar - ông Christine Schraner Burgener - hiện đang ở Thụy Sĩ và đang "tiếp tục các cuộc trò chuyện với các bên về tình hình hiện tại".

Trước đó, vào ngày 26-2, ông Burgener cho rằng "điều quan trọng là cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự này" và kêu gọi các quốc gia tìm cách khôi phục nền dân chủ ở Myanmar, theo CNA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm