Mỹ xem xét điều thêm quân tới Ukraine để hỗ trợ chống Nga

Theo hãng tin Sputnik, hôm 16-4, Quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine – bà Kristina Kvien cho hay Washington sẽ xem xét khả năng tăng cường hiện diện quân sự ở Ukraine nếu cần thiết. Bà Kvien đưa ra tuyên bố này sau lễ chào mừng đợt luân chuyển thứ tám các cố vấn quân sự Mỹ tới Ukraine để huấn luyện binh sĩ.

Mỹ có thể điều thêm quân tới Ukraine nếu cần thiết

Bà Kvien nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây thông báo gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 125 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm kinh phí đào tạo, thiết bị và cố vấn cho quân đội Ukraine.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh: AP

Theo bà Kvien, Ukraine cần được hỗ trợ để chống lại sự gây hấn được Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine). Bà Kvien khẳng định Kiev không phải là bên chịu trách nhiệm cho sự bùng phát giao tranh gần đây ở miền Đông Ukraine.

Phát ngôn của bà mâu thuẫn với tuyên bố từ phía Nga. Điện Kremlin đổ lỗi cho Ukraine không kiểm soát được quân đội và không thực hiện những nghĩa vụ của nước này theo Hiệp định Minsk.

Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal yêu cầu Mỹ mở rộng chương trình huấn luyện binh sĩ tại Ukraine. Ông Shmyhal nói rằng điều này cần thiết để ngăn chặn sự gây hấn của Nga.

Đức, Pháp, Ukraine yêu cầu Nga giảm bớt quân ở biên giới với Ukraine

Hôm 16-4, Đức, Pháp và Ukraine yêu cầu Nga giảm bớt quân ở biên giới với Ukraine nhằm giảm leo thang căng thẳng.

Theo trang tin Politico, hôm 16-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Paris, sau đó là cuộc thảo luận qua video với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại buổi họp báo ở Paris (Pháp) hôm 16-4. Ảnh: Bertrand Guay | AFP via Getty Images

 “Họ đã chia sẻ những lo ngại về việc Nga tăng cường binh sĩ tại biên giới với Ukraine và tại bán đảo Crimea (được sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014 – PV). Họ kêu gọi rút quân tiếp viện để giảm leo thang tình hình” – người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.

Các cố vấn ngoại giao của Pháp, Đức, Ukraine và Nga dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 19-4 để tiếp tục cuộc hội đàm thường lệ của họ xoay quanh việc thực thi thỏa thuận Minsk, theo Tổng thống Zelenskiy.

 “Những gì chúng tôi tìm cách làm là đưa Nga trở lại bàn đàm phán. Pháp và Đức đảm bảo với Tổng thống Zelenskiy về sự ủng hộ của chúng tôi cũng như mong muốn của chúng tôi về việc tiếp tục làm việc trong khuôn khổ ngoại giao và hòa bình”- cố vấn của Tổng thống Macron nói với báo giới.

Theo cố vấn của Tổng thống Pháp, mục đích chính của các cuộc họp hôm 16-4 là tìm cách giảm leo thang. Người này thêm rằng những việc cụ thể về những gì cần làm đã được hai bên quyết định, song từ chối đi sâu vào chi tiết.

Ông Zelenskiy đến Paris tìm kiếm sự ủng hộ cụ thể hơn trước sự leo thang gần đây của Nga.

Ông Zelenskiy nhấn mạnh rằng mặc dù đây là vấn đề chính của Uraine nhưng cũng liên quan tới sự an toàn của châu Âu.

Ông Zelenskiy cám ơn sự ủng hộ của Pháp và Đức. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nêu ra yêu cầu của Ukraine về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc trao đổi của ông với ông Macron.

 “Chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ đáng kể của Pháp khi trao cho Ukraine kế hoạch gia nhập NATO, về nguyên tắc chuyện này đã được đồng ý nhưng những gì tôi muốn là một ngày cụ thể hơn” – ông Zelenskiy nói.

“Tháng 6 tới chúng ta sẽ có hội nghị thượng đỉnh Ukraine-NATO, chúng tôi sẽ nhìn thấy những phản ứng đầu tiên ai đồng ý ai ủng hộ” – ông Zelenskiy nói.

Xung đột ở miền Đông Ukraine

Cuộc xung đột ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine) bắt đầu nổ ra năm 2014 sau khi phe đối lập được các chính phủ phương Tây hậu thuẫn tiến hành đảo chính ở Ukraine, buộc Tổng thống được bầu một cách dân chủ rời nhiệm sở.

Sự lật đổ chính phủ do các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc lãnh đạo làm dấy lên lo ngại ở miền Đông Ukraine rằng giới lãnh đạo mới sẽ đàn áp người dân nói tiếng Nga, từ đó khiến các vùng Donetsk và Lugansk đơn phương tuyên bố độc lập.

Chính phủ Kiev đáp trả bằng việc tuyên bố họ là những kẻ khủng bố và phát động chiến dịch quân sự, khiến hàng ngàn người, kể cả dân thường ở hai vùng ly khai thiệt mạng.

Chiến tranh kết thúc khi hai bên ký Hiệp định Minsk năm 2015 dưới sự hòa giải của các chính phủ châu Âu và Nga. Theo thỏa thuận, hai bên đồng ý thực hiện những bước đi nhất định nhằm chấm dứt xung đột và tái hợp nhất Donetsk và Lugansk về với Ukraine.

Tuy vậy, vài năm sau, Moscow nhiều lần cáo buộc Kiev không tuân thủ nghĩa vụ của nước mình theo như trong thỏa thuận một cách có hệ thống.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm