Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đặt nhau vào thế khó

Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu ngày 14-1 cho biết sẽ hỗ trợ thành lập “Lực lượng An ninh Biên giới” ở Syria quy mô hàng chục ngàn quân, chủ yếu huy động các tay súng người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Trả lời hãng tin AFP, phát ngôn của liên quân Đại tá Ryan Dillon cho biết với thực tế chiến dịch đánh khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria đã đến hồi kết, liên quân và các đồng minh SDF sẽ chuyển trọng tâm sang “tăng cường an ninh biên giới”.

Mỹ chống lưng người Kurd

Đại tá Thomas F. Veale thuộc Phòng quan hệ công chúng của liên quân cho biết hiện chương trình huấn luyện “Lực lượng An ninh Biên giới” đã bắt đầu với 230 lính mới tuyển mộ đợt đầu. Con số cuối cùng có thể lên đến hàng chục ngàn quân. Khoảng một nửa quân số của lực lượng này sẽ là các tay súng từ SDF, nửa còn lại được tuyển mới, theo tờ Defense Post.

Lực lượng trên sẽ được triển khai ở các khu vực do người Kurd kiểm soát ở vùng biên giới Syria. Đông đảo các tay súng người Kurd sẽ được triển khai ở các khu vực bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lực lượng dân quân Ả Rập sẽ được triển khai dọc thung lũng sông Euphrates và dọc biên giới với Iraq.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt lên án việc thành lập lực lượng trên của Mỹ là điều “không thể chấp nhận”. Với Thổ Nhĩ Kỳ, các tay súng người Kurd ở Syria là một nhánh của tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai, bị xem là nhóm vũ trang cực đoan. Ông Ibeahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trích: “Việc Mỹ hỗ trợ chi nhánh của PKK ở Syria là bước đi đáng lo ngại, đã hợp pháp hóa tổ chức khủng bố này cũng như sự tồn tại lâu dài của họ ở khu vực”. Ông Kalin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nương tay với bất kỳ tổ chức khủng bố nào, cả trong hay ngoài biên giới, bất kể các tổ chức có “thay tên đổi họ” đi chăng nữa.

Lính Mỹ và một số tay súng người Kurd ở Syria trong một đợt huấn luyện. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp mặt người ủng hộ tại TP Bingol (đông Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-1. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở chiến dịch

Trong một bài viết trên Hurriyet Daily News ngày 15-1, nhà khoa học chính trị Nuray Mert lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị sa lầy vào chiến tranh sau các động thái gần đây. Trong khi đó, trả lời hãng tin RT, chuyên gia về quan hệ quốc tế Huseyn Bagci, ĐH Kỹ thuật Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định các bước đi của Mỹ ở Syria chỉ làm hai nước ngày càng tiến gần đến xung đột. Ông cho rằng sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ thời gian tới sẽ biến đổi theo một mức độ mới, khi hai nước theo đuổi những quan tâm khác nhau.

Trong ngày 14-1, Tổng thống Erdogan đã có bước đi đặt Mỹ vào thế khó khi tuyên bố sẽ mở chiến dịch đánh vào một khu vực người Kurd kiểm soát ở bắc Syria “trong vài ngày tới” - hãng thông tấn Anadolu cho biết. Ông Erdogan cũng chủ động đề nghị Mỹ ủng hộ chiến dịch này. Địa điểm mà ông Erdogan nói tới là TP Afrin thuộc tỉnh Aleppo, hiện do các tay súng người Kurd kiểm soát. Không đề cập trực tiếp đến Mỹ, ông Erdogan đã bày tỏ hy vọng các đồng minh sẽ không “mắc sai lầm” chọn nhầm phía trong cuộc chiến ở Afrin.

Một người phát ngôn lực lượng người Kurd ở Afrin cho biết đã có xung đột sau nửa đêm 14-1 giữa lực lượng này và lính Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới, theo hãng tin AP. Tuy nhiên, nhận định về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thật sự mở chiến dịch quân sự ở Syria, trên Hurriyet Daily News, nhà khoa học chính trị Murat Yetkin cho rằng chuyện này không thực tế nếu không có sự đồng ý của Nga.

Kế hoạch lập “Lực lượng An ninh Biên giới” của liên quân quốc tế cũng bị phía Nga lên án, rằng Mỹ đang theo đuổi mục tiêu mờ ám ở khu vực. Hãng tin RT dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvitkin cho rằng Mỹ đang muốn tạo hình ảnh mới cho phiến quân, xây dựng cứ điểm cho các tay súng phiến quân từ các nước láng giềng chạy qua gia nhập, cụ thể từ Iraq.

Theo ông Shvitkin, lực lượng này có thể giúp Mỹ đạt được các mục tiêu về địa chính trị, leo thang căng thẳng và cả lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad được bầu chọn hợp pháp. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov gay gắt rằng thái độ của Mỹ ở Syria đã vượt qua mọi giới hạn có thể chấp nhận được. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15-1 cũng đã lên tiếng chỉ trích các kế hoạch của Mỹ cho thấy chính quyền Washington dưới hai đời tổng thống đều “không muốn giữ toàn vẹn lãnh thổ của Syria” - theo hãng thông tấn Itar Tass.

___________________________

Quý vị tính lừa chúng tôi bằng cách thay tên gọi các nhóm khủng bố? Tôi nói rõ với phương Tây: Hợp tác với các tổ chức khủng bố để đánh các tổ chức khủng bố khác sẽ làm tổn thương quan hệ giữa các bên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ TAYYIP ERDOGAN 
tuyên bố ngày 14-1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm