Mỹ tuyên bố 'đạn đã lên nòng' nếu Syria lại tấn công hóa học

Mỹ, Anh và Pháp muốn chấm dứt một lần và mãi mãi đối với chương trình vũ khí hóa học tại Syria.

"Đạn vẫn lên nòng"

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngày 14-4 (theo giờ Mỹ), Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley nhấn mạnh nước này sẵn sàng có thêm hành động quân sự nếu phát hiện chính phủ Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

“Chúng tôi tự tin đã gây tổn thất lớn cho chương trình vũ khí hóa học của Syria. Mỹ sẵn sàng duy trì sức ép nếu chính quyền Syria đủ ngớ ngẩn để thách thức ý chí của chúng tôi. Mỹ đã nhắm sẵn mục tiêu và đạn đã lên nòng trong trường hợp chính quyền Syria sử dụng khí độc thêm lần nữa” - bà Haley nhấn mạnh cảnh báo tại LHQ.

Tổng Thư ký NATO Jenss Stoltenberg cũng khẳng định tất cả 26 thành viên hiệp ước quân sự ủng hộ chiến dịch không kích. Tuyên bố được đưa ra sau khi phái bộ ngoại giao Anh, Pháp và Mỹ họp với đại sứ các nước thành viên NATO, thuyết phục các nước thành viên rằng không kích là lựa chọn bất đắc dĩ nhằm chấm dứt tấn công hóa học ở Syria khi mọi phương án khác đã bất thành.

Chính quyền Damascus cũng lo Mỹ và phương Tây sẽ lại lấy cớ tấn công hóa học để thực hiện thêm các vụ không kích tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Syria Najdat Anzour trả lời hãng tin AP. Ông cũng tiết lộ các nước phương Tây muốn chính phủ Syria tái khởi động đàm phán hòa bình Geneva, được tổ chức bởi LHQ nhưng với các điều kiện: Viết dự thảo hiến pháp mới, tổ chức bầu cử tổng thống sớm và thành lập nội các mới có đại diện các nhóm vũ trang đối lập. Ông Anzour nhấn mạnh những điều kiện mà phương Tây đặt ra là “không thể chấp nhận được và bất khả thi”.

Quân đội Syria kiểm tra hiện trường Trung tâm nghiên cứu Barzeh, phía Bắc thủ đô Damascus, bị phá hủy trong đợt không kích ngày 14-4. Ảnh: AFP

Pháp dẫn đầu nỗ lực mới

Theo những tiết lộ của quan chức ngoại giao Anh với đài truyền hình CNN, chính phủ Pháp sẽ dẫn đầu thúc đẩy LHQ thông qua một nghị quyết mới kêu gọi điều tra độc lập các nghi án tấn công hóa học tại Syria. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre khẳng định việc giải giáp chương trình vũ khí hóa học tại Syria phải đảm bảo có thể được xác tín và không thể bị đảo ngược. Nghị quyết này sẽ có được sự ủng hộ quyết liệt của chính phủ Anh và Mỹ.

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari cho biết đoàn điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) đã gặp giới chức Syria để khảo sát thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta vào khoảng 7 giờ tối 14-4 (giờ địa phương). Nơi đây được cho là hiện trường nghi án tấn công hóa học ngày 7-4 khiến ít nhất 70 người thiệt mạng. Tờ The Guardian điểm lại rằng Nga đã bốn lần dùng phiếu phủ quyết để ngăn HĐBA tổ chức các cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria trong gần bảy năm nội chiến qua.

Theo đài truyền hình CNN, nghị quyết mà Pháp đệ trình sẽ đặt ra một khung thời gian mới cho các đặc phái viên của OPCW báo cáo kết quả điều tra lên LHQ. Nghị quyết cũng cho phép một bên thứ ba bên ngoài Syria giám sát vô điều kiện hoạt động di tản nhân đạo và y tế của dân thường khỏi thị trấn Douma. Một nhà ngoại giao tiết lộ với CNN rằng các nỗ lực thúc đẩy đàm phán thực chất sẽ sớm được tiến hành.

Nga chưa vội phản ứng quân sự

Động thái mới nhất của Pháp tại LHQ diễn ra liền sau một phiên họp đầy căng thẳng của HĐBA, được triệu tập khẩn cấp bởi chính phủ Nga sau đợt không kích ngày 14-4 tại Syria. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã lên án chiến dịch của liên quân Anh-Pháp-Mỹ là một hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, hủy hoại lộ trình chính trị tại Syria.

Cũng trong ngày 14-4, Nga đã đệ trình lên LHQ một dự thảo nghị quyết chính thức lên án vụ không kích của liên quân Anh-Pháp-Mỹ vào lãnh thổ Syria. HĐBA đã bác bỏ, không thông qua nghị quyết này do chỉ có vỏn vẹn ba nước thành viên đứng ra ủng hộ nghị quyết bao gồm Trung Quốc, Bolivia và Nga. Có tám nước phản đối nghị quyết và bốn nước bỏ phiếu trắng. Đại sứ Nga Nebenzia đã bày tỏ sự thất vọng trước nỗ lực ngoại giao thất bại lần này: “Hôm nay là một ngày rất buồn cho toàn thế giới, cho LHQ và cho Hiến chương LHQ vốn đã bị vi phạm một cách trắng trợn”.

Trả lời tờ The Guardian, một quan chức Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussel cho rằng chính quyền Moscow trong những ngày tới sẽ không có phản ứng quân sự mà ưu tiên giải quyết vấn đề Syria bằng ngoại giao. Ông không loại trừ khả năng Nga có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như cắt nguồn khí đốt châu Âu.

Dự kiến trong hôm nay (ngày 16-4), Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có phiên chất vấn trước Quốc hội về quyết định tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào lãnh thổ Syria. Lãnh đạo ba nước Anh, Pháp và Mỹ đã có cuộc điện đàm vào ngày 14-4, đi đến thống nhất rằng chiến dịch đã thành công. Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập cũng như dư luận tại Anh vẫn hoài nghi về mức độ hiệu quả lẫn tính hợp pháp của việc Anh tham gia không kích Syria, đặc biệt khi bà May đã đưa ra quyết định mà không trình vấn đề ra trước Quốc hội để lấy ý kiến.

____________________________

Động thái leo thang tại Syria sẽ có tác động hủy hoại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay. Lịch sử sẽ phán xét, như cách lịch sử thừa nhận Washington phải chịu trách nhiệm cho những đổ máu tại Nam Tư, Iraq, Libya.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN lên án vụ không kích của Anh-Pháp-Mỹ vào lãnh thổ Syria ngày 14-4 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm