Mỹ, Trung làm gì trong ‘hồi 2’ thương chiến?

Washington ngày 7-8 đã công bố lệnh cấm các cơ quan liên bang Mỹ mua thiết bị và dịch vụ từ những công ty Trung Quốc (TQ), như Tập đoàn viễn thông Huawei với lý do an ninh quốc gia. Thông báo này được đưa ra một năm trước thời hạn tháng 8-2020, khi Quốc hội Mỹ bắt buộc tất cả nhà thầu liên bang ngừng kinh doanh với các công ty này.

Tờ The New York Times cũng đưa tin ngày 8-8, Ngân hàng Trung ương TQ đặt ra điểm giữa cho phạm vi dao động tỉ giá giao dịch hằng ngày của đồng nhân dân tệ (NDT), hơn 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn một thập niên. Động thái này cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục hạ giá đồng NDT, một dấu hiệu dự báo thương chiến Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt.

Chiến tranh tiền tệ?

Đồng NDT suy yếu hơn sẽ giúp giảm chi phí cho các nhà máy TQ khi chịu mức thuế nhập khẩu cao của Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Washington nổi giận vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp Mỹ giao dịch với thị trường TQ.

“Phá giá là một công cụ kinh tế nhằm đấu lại chính sách thuế quan. Đồng NDT suy yếu sẽ bù đắp mức thuế cao từ Washington và làm giảm tính cạnh tranh của nhiều công ty Mỹ. Hơn nữa, một đồng NDT yếu sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của TQ trong khi giảm cạnh tranh nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu của TQ ở nhiều thị trường khác” - bà Nicole Tanenbaum, chiến lược gia đầu tư tại Chequers Financial Management, trả lời tờ Fortune.

Theo ông John Engle, chủ tịch của Almington Capital Merchant Bankers, vấn đề không nằm ở chính sách tiền tệ mà đó có thể là một dấu hiệu cho thấy cuộc thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục khốc liệt. Trong khi đó, ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich ở Hong Kong, nhận định đòn đánh tiền tệ này là một thông điệp gửi đến Washington rằng “TQ cũng có thể chơi mạnh như Mỹ vậy”.

Giám đốc đầu tư tạiIndependent Advisor Alliance Chris Zaccarelli đồng ý với nhận định rằng những động thái mới từ Bắc Kinh báo hiệu cuộc chiến tiền tệ là chiến trường mới trong xung đột của hai cường quốc kinh tế thế giới. “Dường như nỗi lo sợ lớn nhất của các nhà kinh tế đang dần trở thành sự thật khi thị trường tài chính có thể leo dốc một lần nữa nếu những nhà lãnh đạo không kịp tỉnh táo” - ông Zaccarelli phát biểu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Danh hiệu “thao túng tiền tệ”

Sau quyết định phá giá tiền tệ của Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, theo sự ủy quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tuyên bố liệt TQ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Trước động thái này từ Washington, chuyên gia về Mỹ tại Viện Nghiên cứu quốc tế và khu vực của ĐH Văn hóa Ngôn ngữ Bắc Kinh, ông Huang Jing, cho biết đây là một phần trong chiến lược gây sức ép tối đa lên Bắc Kinh của chủ nhân Nhà Trắng, vốn được đưa ra không lâu sau đòn đánh thuế mới nhất nhằm vào 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của TQ. “Ông Trump dường như muốn TQ quy phục nhanh chóng bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ thương chiến với Bắc Kinh. Nhưng điều này khó xảy ra vì xung đột này đã được định sẵn là một cuộc chiến lâu dài” - ông Huang phát biểu trên tờ South China Morning Post.

Nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc chiến tiền tệ mà nhiều người xem là “hồi 2” của cuộc thương chiến đang tiếp diễn sẽ làm lu mờ viễn cảnh tốt đẹp trong những vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS tại TQ, bà Tao Wang, nói rằng Bắc Kinh có thể coi việc Mỹ gán danh hiệu “thao túng tiền tệ” và tăng thuế nhập khẩu là bằng chứng cho thấy Washington không muốn sớm đạt được thỏa thuận thương mại. Vì thế, TQ cũng không còn tha thiết nhượng bộ đối thủ. “Cần phải xem TQ sẽ đáp trả Mỹ như thế nào nhưng nhiều khả năng là các vòng đàm phán tiếp theo sẽ bị trì hoãn hoặc hủy bỏ” - bà Tao Wang dự đoán.

Lệnh cấm sẽ không thể đảm bảo việc bảo vệ hệ thống viễn thông Mỹ mà thay vào đó là rào cản thương mại dựa trên nước xuất xứ, viện dẫn hành động trừng phạt mà không có bất kỳ bằng chứng về việc làm sai trái. Cuối cùng, chỉ có người dân ở vùng nông thôn Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng vì hệ thống mạng họ sử dụng phụ thuộc vào Huawei

Phát ngôn viên của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei 

Mỹ, Trung làm gì tiếp theo?

Ngoài chính sách phá giá, TQ vẫn còn nhiều đòn bẩy để đấu với Mỹ. Hãng tin Reuters đưa tin Hiệp hội Đất hiếm TQ ngày 7-8 thông báo sẽ hỗ trợ các biện pháp đối phó trong tranh chấp thương mại với Mỹ và cáo buộc Washington sử dụng hành vi “bắt nạt thương mại” để ngăn chặn sự phát triển của TQ. Chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến nhà máy đất hiếm ở tỉnh Giang Tây hồi tháng 5 đã làm dấy lên lo ngại TQ sẽ sử dụng vị thế thống trị trong sản xuất đất hiếm để gây áp đảo trong tranh chấp Mỹ-Trung, mặc dù chưa có thông báo nào về hạn chế nguồn cung cho thị trường.

Căng thẳng có thể tăng cao hơn sau khi Mỹ ban hành luật cấm các cơ quan liên bang Mỹ mua thiết bị và dịch vụ viễn thông từ một số công ty TQ, bao gồm Huawei - vốn là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Mỹ liên tục cáo buộc Huawei tội gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Tập đoàn TQ cũng đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ về những hạn chế.

“Lệnh cấm được đưa ra ngày 7-8 không có gì bất ngờ nhưng Huawei sẽ tiếp tục thách thức tính hiến pháp của lệnh cấm tại tòa án liên bang” - phát ngôn viên của Huawei phát biểu.

Theo hãng tin US News, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng vì cuộc xung đột Trung-Mỹ, các nền kinh tế trên thế giới đang chịu biến động đầu tư, bất ổn chuỗi cung ứng và biến động tiền tệ. Nền kinh tế toàn cầu vốn đã bão hòa và suy yếu sẽ đón nhận thêm nhiều tác động khác khi tranh chấp thương mại giữa hai người khổng lồ kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán vào tháng 7 rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu còn 3,2% trong năm nay. Đây là con số thấp nhất từ năm 2009.

“Những nền kinh tế như Đức rất phụ thuộc vào xuất khẩu. Ngành sản xuất của Đức đã mất đà một cách đáng sợ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Singapore… đều rất nhạy cảm với sự suy yếu của thương mại toàn cầu” - chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của Oxford Economics Louis Kuijs cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm