Mỹ toan tính chiếm lĩnh ‘sân sau’ của Nga

Ngày 6-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thủ đô Warsaw của Ba Lan, mang theo tham vọng đưa nước Mỹ đạt đến vị thế “thống trị năng lượng” trên trường quốc tế, theo hãng tin CNBC.

Chiếm lĩnh sân sau của Nga

Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc gặp ngày 6-7 với lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra các cam kết thúc đẩy xuất khẩu dầu khí hóa lỏng vào thị trường vốn từ lâu phụ thuộc nhiều vào Nga. Việc Tổng thống Trump lựa chọn Ba Lan làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du dài ngày ở châu Âu, trước cả hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) cho thấy chuyến đi này có vị trí vô cùng quan trọng trong danh sách các ưu tiên của Nhà Trắng.

Hội nghị thượng đỉnh “Ba vùng biển” tại Warsaw với sự góp mặt của lãnh đạo các quốc gia Ba Lan, Áo, Hungary, Latvia cùng Estonia là bước đệm quan trọng để Tổng thống Trump thúc đẩy chiến lược năng lượng toàn cầu của Mỹ. Tuần qua, chính phủ của ông Trump cũng nhấn mạnh việc xuất khẩu dầu khí hóa lỏng là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch “thống trị thị trường năng lượng toàn cầu”. Ông Trump cũng khẳng định ngành năng lượng Mỹ sẽ bước vào một “kỷ nguyên vàng” bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí đốt, than đá và xăng dầu.

Cựu tư lệnh tối cao của NATO James Jones đánh giá sự xuất hiện của ông Trump sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho dự án “Ba vùng biển”. Nếu Mỹ tăng xuất khẩu đến khu vực, sức ảnh hưởng của Nga sẽ bị suy yếu vì không thể sử dụng khí đốt làm con bài mặc cả, ông Jones nhận định. Ngân sách của điện Kremlin cũng phụ thuộc rất lớn vào lợi nhuận thu về từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Việc giảm bớt thị phần của Nga sẽ tạo ra các khó khăn không nhỏ cho những tham vọng của điện Kremlin, cả về đối nội và đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh thực thi chiến lược năng lượng “Nước Mỹ trước tiên” vào tháng 4-2017. Ảnh: GETTY

Mỹ tăng xuất khẩu dầu khí hóa lỏng vào khu vực Trung và Đông Âu có thể là giảm sức mạnh con bài mặc cả quen thuộc của Nga. Ảnh: POLITICON

Những kẻ thách thức

Mỹ được dự đoán sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ ba thế giới vào năm 2020, theo Reuters. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã ký kết nhiều hợp đồng bán khí đốt dài hạn trong vòng bốn năm qua nhưng vẫn còn dư trữ lượng để tiếp tục chào mời các đối tác toàn cầu. Tập đoàn năng lượng Cheniere vào tháng qua đã gửi những đơn hàng đầu tiên đến Ba Lan. Tập đoàn Tellurian thì đang đệ trình một hợp đồng trị giá đến 16 tỉ USD với chính phủ Warsaw với hy vọng ký kết thành công vào năm 2022, thế chỗ Tập đoàn Gazprom của Nga.

Tham vọng của ông Trump và các nhà tập đoàn Mỹ vẫn đối mặt với thách thức không nhỏ là sự dư thừa nguồn cung khí đốt toàn cầu. Adam Sieminski - chuyên gia về năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - lo ngại sự dư thừa này sẽ kìm hãm giá khí đốt và các tập đoàn Mỹ khó mà thu lợi. Nga vẫn nắm thế thượng phong tại “chiến trường” châu Âu với ưu thế địa lý và hệ thống ống dẫn sẵn có. “Châu Âu sẽ là một đấu trường khốc liệt giữa khí đốt Nga và khí đốt hóa lỏng Mỹ” - Daniel Yergin, Phó Chủ tịch hãng phân tích IHS Markit, nhận định.

Dù đang bị cô lập bởi các nước Ả Rập và vùng Vịnh, Qatar cũng bất ngờ nổi lên như một đối thủ sẵn sàng ngáng chân tham vọng “thống trị năng lượng” của ông Trump. Ngày 5-7, chính phủ Doha tuyên bố sẽ tăng gấp đôi quy mô dự án mỏ khí đốt của nước này ở vịnh Ba Tư, đẩy sản lượng khí đốt hóa lỏng của nước này từ 77 triệu tấn/năm lên gần 100 triệu tấn/năm vào năm 2022.

Theo CNBC, Qatar hiện chính là nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới. Động thái lần này cho thấy đất nước vùng Vịnh không muốn đánh mất vị thế dẫn đầu của mình trong thị trường khí đốt toàn cầu.

Qatar lo ngại mất thị trường

Doha cũng đã bắt đầu cảm nhận rõ các thách thức từ Washington. Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 5 đã đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh, cho phép các tập đoàn Trung Quốc đàm phán hợp đồng dài hạn với những đối tác phía Mỹ. Không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ nhưng Doha cũng sẽ thêm đau đầu trong đàm phán giá cả vì Bắc Kinh nay đã có nhiều sự lựa chọn hơn.

Washington tuần qua cũng bắt đầu tiếp cận Hàn Quốc - thị trường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ hai thế giới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trương giảm phụ thuộc năng lượng vào điện hạt nhân và than đá mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn năng lượng Mỹ, hãng CNBC nhận định. Chiếm gần 37% sản lượng khí đốt nhập khẩu của Hàn Quốc, Qatar rõ ràng có lý do để lo ngại những động thái quyết đoán từ Tổng thống Donald Trump

____________________________

Ở nhiều góc độ, chiến lược xuất khẩu khí đốt dạng lỏng sẽ là chính sách nguy hiểm nhất của Mỹ nhắm vào nước Nga.

MICHAL BARANOWSKI, Quỹ Marshall (Đức)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm