Mỹ tiếp tục lên tiếng về biểu tình Iran

Biểu tình ở Iran đã diễn ra liên tục chín ngày, với ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 450 người bị bắt. Diễn biến quanh cuộc biểu tình ngày càng phức tạp, thậm chí đặt Mỹ và Iran vào thế đối đầu trên các diễn đàn quốc tế.

Iran cáo buộc nước ngoài can thiệp

Hãng tin IRNA dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Iran Mohammad Jafar Montazeri ngày 4-1 cáo buộc tình báo Mỹ kích động biểu tình ở Iran, có liên quan Israel và Saudi Arabia. Trước đó, cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đều cáo buộc các thế lực nước ngoài dùng tiền, vũ khí và sức mạnh chính trị kích động bất ổn Iran.

Bộ trưởng Tư pháp Iran cho rằng mục tiêu của các lực lượng nước ngoài là biến cuộc biểu tình này thành cuộc nổi dậy có vũ trang vào giữa tháng 2 - thời điểm kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo (năm 1979).

Trong khi đó, chính phủ Mỹ bác bỏ có bất cứ vai trò gì trong cuộc biểu tình Iran. CIA từ chối bình luận về cáo buộc.

Liên Hiệp Quốc họp khẩn

Theo yêu cầu phía Mỹ, cuộc họp khẩn và bất thường về Iran của Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã diễn ra chiều 5-1 (giờ Mỹ).

Yêu cầu này được Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley đưa ra ngày 2-1. Bà khẳng định Mỹ muốn có các cuộc họp khẩn về Iran tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) và cả Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ). Bà Haley tuyên bố Mỹ sẽ không ngồi yên như đợt biểu tình ở Iran tám năm trước. Cuộc biểu tình năm 2009 bắt đầu sau chiến thắng đầy tranh cãi của ông Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử tổng thống. Biểu tình kéo dài tới ba tháng với 36 người thiệt mạng.

Đại sứ Iran tại LHQ Gholamali Khoshroo chỉ trích rằng Mỹ can thiệp phi lý vào công việc nội bộ Iran. Ông Khoshroo đã gửi thư lên Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tố cáo Mỹ đã vượt mọi giới hạn khi kích động người dân Iran có hành động gây rối. Ông Khoshroo cũng chỉ trích các phát ngôn kêu gọi người dân thay đổi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Biểu tình ở TP Mashhad (Iran) ngày 4-1. Ảnh: AFP

Biểu tình ở Iran đã bước sang ngày thứ 10 với 90% người biểu tình là thanh niên. Ảnh: GETTY

Mỹ ra biện pháp trừng phạt

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Ngân khố Mỹ ngày 4-1 đã thông báo trừng phạt năm công ty con thuộc Tập đoàn quốc phòng Iran Shahid Bakeri.

Tập đoàn này được xem là có vai trò lớn trong phát triển và sản xuất tên lửa đạn đạo Iran, vốn trước đó đã hứng nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ. Các công ty con của tập đoàn này phụ trách sản xuất các bộ phận tên lửa đạn đạo, chẳng hạn hệ thống dẫn đường, động cơ… Tháng trước, Mỹ từng hai lần lên tiếng cáo buộc Iran cung cấp tên lửa cho nhóm phiến quân Houthi ở Yemen để pháo kích Saudi Arabia.

Theo Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin, lệnh trừng phạt này được xem như một động thái ủng hộ với người biểu tình Iran. Ông lập luận rằng lệnh trừng phạt sẽ hạn chế chính phủ Iran chi tiền lý ra lo an sinh xã hội nhưng lại đầu tư vào tên lửa đạn đạo. Theo tờ The Washington Post, chính phủ Tổng thống Trump vẫn đang cân nhắc thêm lệnh trừng phạt cho Iran với các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Đợt biểu tình của Iran và những tuyên bố đối đầu giữa Mỹ với nước này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump sắp đưa ra hai quyết định quan trọng liên quan đến Iran vào giữa tháng này. Một là đánh giá quá trình tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Iran và nhóm P5 +1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức). Ông Trump đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận trong lần đánh giá hồi tháng 10-2017. Hai là quyết định có bỏ hay không lệnh hoãn trừng phạt Iran theo điều khoản thỏa thuận. Nếu bỏ và khôi phục trừng phạt, Mỹ coi như đã vi phạm thỏa thuận.

Nga chỉ trích Mỹ can dự

Nga ngày 4-1 lên tiếng chỉ trích việc Mỹ muốn HĐBA LHQ họp khẩn bất thường về Iran. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, HĐBA LHQ không có vai trò gì với vấn đề nội bộ Iran. Ông cũng cho rằng Mỹ không nên can thiệp chuyện nội bộ Iran. Về khả năng Mỹ trừng phạt các quan chức Iran với cáo buộc đàn áp biểu tình như Bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa, ông Ryabkov cho rằng biện pháp này không “hợp pháp”.

Ông Ryabkov chỉ trích Mỹ lợi dụng tình hình bất ổn của Iran để hủy hoại thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015, khẳng định Nga vẫn tôn trọng thỏa thuận. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc tới việc chính quyền TP New York từng cho bắt người biểu tình trong chiến dịch “Chiếm đóng phố Wall”. Bà chỉ trích rằng Mỹ không đủ tư cách để nói về chuyện nhân quyền ở Iran.

_________________________

42.000 người dân Iran đã tham gia biểu tình trong một tuần qua, theo lời Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm