Mỹ: Thượng viện đã thông qua kế hoạch cứu thị trường

Tối 1-10 theo giờ Mỹ, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật giải cứu khủng hoảng tài chính trị giá 700 tỷ USD (hay còn gọi là kế hoạch Paulson). Đề xuất đã được thông qua với đa số phiếu thuận là 74-25 tại Thượng viện

Sẽ giảm thuế

Sau khi Hạ viện bỏ phiếu bác kế hoạch Paulson hôm 29-9, kế hoạch đã được chỉnh sửa lại theo hướng bổ sung thêm vào đó dự luật về miễn giảm thuế mà Thượng viện đã thông qua hồi tuần trước.

Phát biểu một vài giờ trước khi diễn ra việc bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ G.Bush nói: “Chúng ta cần phải thông qua dự luật này nhằm ổn định tình hình, ngăn chặn khả năng diễn biến xấu hơn cũng như giúp người dân không mất mát của cải và tiền bạc”.

Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về kế hoạch ứng cứu đã được sửa đổ, bổ sung dự luật miễn giảm thuế nói trên vào ngày 3/10.

Dự luật về miễn giảm thuế có nội dung như sau:

- Hơn 24 triệu người Mỹ sẽ không phải nộp 62 tỷ USD tiền thuế tối thiểu chọn lựa (loại thuế nhằm ngăn ngừa người giàu lợi dụng các trường hợp miễn giảm thuế để tránh thuế thu nhập); giảm tám tỷ USD tiền thuế cho cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiên tai tại bang Texas, Louisiana và vùng Trung Tây nước Mỹ; dành 78 tỷ USD tiền thuế cho các chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, gió và các năng lượng tái tạo khác; gia hạn cho các hình thức miễn thuế sắp hết hạn.

- Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm liên bang từ mức 100.000 USD lên 250.000 USD nhằm vực dậy lòng tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp khi gửi tiền vào ngân hàng.

- Yêu cầu chương trình bảo hiểm y tế dành cho nhóm 51 nhân viên trở lên phải điều trị công bằng đối với các bệnh tâm thần hay các chứng nghiện rượu.

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain, ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama và Joe Biden sẽ quay về Washington tham gia bỏ phiếu.

Theo tính toán, nếu hai ông Obama và Biden đã bỏ phiếu thuận cho dự luật giải cứu khủng hoảng tài chính, đảng Dân chủ ở Hạ viện khó lòng bỏ phiếu bác bỏ.

Xanh chứng khoán

Trước đó,tại Mỹ, thị trường chứng khoán Wall Street đã lấy lại niềm tin sau cú giảm điểm lịch sử sau khi Hạ viện chặn đứng kế hoạch Paulson. Các nhà đầu tư đã tung tiền thu gom cổ phiếu giảm giá thê thảm hôm trước, đặc biệt là cổ phiếu của ngành tài chính và công nghệ, ví dụ giá cổ phiếu của Tập đoàn Tài chính JPMorgan đã tăng 14%.

Nhờ vậy, chỉ số Dow Jones đã tăng trở lại 485 điểm (gần 4,7%) Chỉ số S&P 500 tăng vọt gần 5,3%, mức tăng cao nhất trong một ngày trong sáu năm gần đây. Chỉ số Nasdaq cũng tăng 5,4%.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng đã gượng dậy. Chỉ số Nikkei (Nhật) tăng 1%. Chỉ số S&P/ASX-200 tăng đến 4,2%, chỉ số Nzx (New Zealand) tăng 3,2%, chỉ số Taiex (Đài Loan) tăng 0,8%.

Ở châu Âu, các nước tiếp tục tìm cách bảo vệ ngân hàng. Ireland tiết lộ kế hoạch cung ứng 400 tỷ euro cho sáu ngân hàng lớn ở nước này để bảo đảm các khoản tiền gửi, trái phiếu và các khoản nợ. Pháp cam kết đưa ra kế hoạch tương tự vào cuối tuần này.

Ngân hàng trung ương Anh quốc quyết định bơm thêm vào thị trường tiền tệ 30 tỷ USD sau khi đưa ra khoản cho vay 10 tỷ USD cho các ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu đã tiếp tục cung ứng các khoản cho vay lên đến 50 tỷ USD trong một ngày nhằm giữ tiền mặt luân chuyển vào thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang gặp khó khăn.

Chủ tịch nhóm các bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nước khác bằng việc phải thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính. Ông Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đều không tán thành ý tưởng triển khai một kế hoạch giải cứu thị trường tài chính tương tự như Mỹ ở châu Âu.

LÊ LINH (Theo AP, AFP, Bloomberg)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm