Mỹ thông qua đạo luật Hong Kong: Những câu hỏi lớn

Ngày 27-11 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKHRDA), ủng hộ phong trào biểu tình ở đặc khu này mặc cho Trung Quốc (TQ) phản đối kịch liệt. Động thái này diễn ra trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tiến tới thỏa thuận giai đoạn một.

Ông chủ Nhà Trắng cũng ký thông qua dự luật Bảo vệ Hong Kong, cấm bán đạn dược do Mỹ chế tạo như đạn hơi cay và đạn cao su cho chính quyền Hong Kong.

Lực cản đàm phán Mỹ-Trung?

Ngay sau khi ông Trump thông qua HKHRDA, hãng tin Reuters ghi nhận mức giảm nhẹ ở thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi thị trường châu Á chao đảo trong phiên giao dịch ngày 28-11.

Chỉ số MSCI cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản, có dao động nhỏ vào đầu phiên giao dịch. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0,15% trong những phút đầu phiên. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%. Shanghai Composite của TQ giảm nhẹ 0,31%.

Ông Michael McCarthy, chiến lược gia trưởng tại sàn giao dịch CMC Markets ở Sydney, Úc, nhận định: “Trong ngắn hạn, thị trường cổ phiếu vẫn tăng theo quán tính từ những thông tin tích cực một ngày trước đó”.

Theo ông McCarthy, việc Tổng thống Trump ký thành công HKHRDA có thể làm chững lại những diễn biến tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. “Hành động của Tổng thống Mỹ không làm hài lòng phía TQ. Khi chúng ta đang tiến gần hơn tới thời điểm thỏa thuận cần phải được ký kết thì thị trường phản ứng như thể động thái này của Mỹ có thể cản trở đàm phán về thỏa thuận giai đoạn một” - Reuters dẫn lời ông McCarthy cho biết.

Dù vậy, chuyên gia này dự đoán có thể các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục đánh cược trong thời gian tới và chờ đợi những động thái tiếp theo từ chính quyền hai nước. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ khởi sắc và hồi phục.

Trả lời phỏng vấn của đài CNBC ngày 27-11, giám đốc chi nhánh Mỹ công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, ông Todd Mariano, cho rằng động thái này của Washington sẽ tạo ra một số cản trở không mong muốn với tiến trình đàm phán.

“Hong Kong là một vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược quốc gia đối với TQ nhưng ông Trump cũng phải chịu áp lực từ Quốc hội khi lưỡng viện đều bỏ phiếu thông qua áp đảo. Bạn biết đấy, điều đó đặt ông Trump vào một vị thế rất khó khăn… về một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với giới lãnh đạo TQ” - Giám đốc Mariano giải thích thêm.

Tổng thống Trump phát biểu tại buổi mít tinh ở bang Florida tối 26-11. Ảnh: DPA

Theo trang phân tích Politico, bên cạnh việc cho thấy sự ủng hộ của Washington đối với phe đối lập ở Hong Kong, dự luật Hong Kong cũng sẽ giúp Mỹ gia tăng sức ép lên chính quyền Bắc Kinh và có thể đẩy quan hệ hai nước vào giai đoạn căng thẳng mới.

Hôm 26-11, ông Trump cho biết tiến trình đàm phán với TQ về giai đoạn một của thỏa thuận thương mại gần hoàn tất sau khi các quan chức hai bên trao đổi qua điện thoại.

Dù vậy, chuyên gia phân tích ngoại hối và lãi suất châu Á thuộc Bloomberg Intelligence Stephen Chiu cho hay: “Bất luận hai bên nói gì đi chăng nữa, có vẻ như không dễ tiến tới sự đồng thuận, vì vậy việc tiến tới thỏa thuận giai đoạn một có thể rất khó”.

Dự kiến đợt áp thuế tiếp theo của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 15-12 tới nếu thỏa thuận giai đoạn một không được thông qua với 160 tỉ USD hàng hóa TQ vào Mỹ phải chịu thêm 15% thuế quan bổ sung.

Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của một thỏa thuận rất quan trọng. Mọi thứ đang tiến triển rất tốt nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn thấy mọi thứ diễn ra tốt đẹp ở Hong Kong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 26-11 

Ký dự luật Hong Kong khiến Mỹ gặp rủi ro?

Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hong Kong đánh giá việc thông qua HKHRDA tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến “những hậu quả khó lường và phản tác dụng” đối với các lợi ích kinh tế Mỹ tại khu vực.

Theo đó, thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy 85.000 công dân nước này sinh sống ở Hong Kong năm 2018 và hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở đây, trong đó gần như là các tập đoàn tài chính lớn. Báo cáo của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cũng chỉ ra Hong Kong là đối tác đem lại thặng dư thương mại song phương lớn nhất của Mỹ trên thế giới với 33,8 tỉ USD trong năm 2018.

Với những dữ liệu trên, bất kỳ động thái nào nhằm hủy quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong cũng có thể khiến Washington đánh mất lợi ích kinh tế ở đây. Các công ty vốn phụ thuộc vào Hong Kong với vai trò trung gian, trung chuyển hàng hóa cũng sẽ phải cân nhắc di dời tới những nơi khác.

Được biết Bộ Ngoại giao TQ ngày 28-11 đã ra tuyên bố chỉ trích đạo luật mới “can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề của Hong Kong và chính sách nội bộ của TQ”.

“Chúng tôi khuyên Mỹ không nên cố tình đi theo con đường riêng của mình, nếu không TQ sẽ có biện pháp trả đũa quyết liệt và phía Mỹ phải chịu mọi hậu quả” - cơ quan này khẳng định, song không nêu rõ biện pháp đáp trả cụ thể.

Chính quyền Hong Kong ngày 28-11 cũng nói rằng họ “cực kỳ lấy làm tiếc” việc ông Trump ký thông qua HKHRDA, cho rằng Washington đang can thiệp công việc nội bộ của đặc khu. Một quan chức chính quyền Hong Kong cảnh báo động thái của Mỹ sẽ “gửi thông điệp sai cho người biểu tình”.

Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong nói gì?

Nội dung chính đạo luật sẽ xem xét lại việc áp dụng quy chế thương mại đặc biệt đối với Hong Kong dựa trên đánh giá thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về mức độ tự trị theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Hong Kong.

Bên cạnh đó, đạo luật mở đường cho Mỹ trừng phạt những quan chức TQ và Hong Kong bị cáo buộc vi phạm Luật Cơ bản Hong Kong, đồng thời không từ chối visa đối với những cá nhân bị bắt hoặc giam giữ vì động cơ chính trị ở đặc khu này.

Một điều khoản trong đạo luật cũng cho phép Mỹ trừng phạt các hãng truyền thông có liên hệ với chính phủ TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm