Mỹ thách thức Tòa Hình sự Quốc tế

Mỹ hôm qua (10-9) lên tiếng cảnh báo sẽ trừng phạt bất kể cá nhân nào hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trong việc điều tra về các hành động của Mỹ trong cuộc chiến tranh Afghanistan, theo nguồn tin giấu tên của Washington Post. Mục đích của ICC trong cuộc điều tra là truy tố và xét xử những người phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng.

Trừng phạt những ai giúp đỡ ICC

Trong bài phát biểu có nhan đề “Bảo vệ hiến pháp và chủ quyền Mỹ trước các mối đe dọa quốc tế”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Nhà Trắng sẽ chiến đấu chống lại ICC nếu cơ quan này “chính thức mở cuộc điều tra về các cáo buộc tội ác chiến tranh nhằm vào quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan”.

“Mỹ sẽ dùng mọi cách cần thiết để bảo vệ công dân của mình cũng như của các nước đồng minh trước sự truy tố bất công của tòa án phi pháp này”, Reuters dẫn lời ông Bolton cho biết. Vị này trong suốt thời gian qua liên tục phản đối ICC tiến hành cuộc điều tra vì cho rằng hành động đó vi phạm chủ quyền quốc gia. Đây là lần đầu tiên ông Bolton có bài phát biểu chính thức và quan trọng kể từ khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vào tháng 4 vừa qua.

Ông Bolton cũng đưa ra các cảnh báo Mỹ sẽ trừng phạt và cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình truy tố các công dân Mỹ trước tòa án quốc tế. Trong đó bao gồm các thẩm phán, công tố viên, các doanh nghiệp. Đồng thời Mỹ cũng tiến hành một chiến dịch mới nhằm thách thức tính hợp pháp của ICC dựa trên quan điểm ICC có thể đặt Mỹ và đồng minh thân cậy vào tình thế nguy hiểm, nguồn tin ẩn danh của Washington Post cho biết. Chính quyền Trump đã đặt vấn đề liệu ICC có đủ thẩm quyền để điều tra và truy tố các công dân Mỹ liên quan các cáo buộc tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không, bởi vì luật quân sự Mỹ và Afghanistan có thể được áp dụng khác nhau.

Tuyên bố chống lại ICC của Washington là hành động mới nhất sau chuỗi động thái thách thức của chính quyền Trump nhằm vào các thể chế hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực khác nhau. Chỉ tính trong năm 2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi cơ quan Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bài phát biểu của ông Bolton diễn ra trong bối cảnh chỉ còn hai tuần nữa, Tổng thống Trump sẽ cùng nhiều lãnh đạo trên thế giới tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cùng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nổi bật. Các quan chức Mỹ cho biết ông Trump sẽ tập trung vào các tuyên bố yêu sách của Mỹ liên quan đến vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran-Mỹ đã rút khỏi hồi tháng 5 vừa qua.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: REUTERS

Tấn công Palestine

Ngoài việc tấn công vào ICC, Nhà Trắng hôm qua cũng tuyên bố sẽ đóng cửa một cơ quan ngoại giao của Palestine tại thủ đô Washington vì cho rằng Palestine đã cố ý tìm cách tận dụng tòa án quốc tế để điều tra và truy tố Israel. Palestine vốn không có đại sứ quán tại Mỹ, chỉ có một phái bộ ngoại giao hoạt động tại trụ sở ở Washington. Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat hôm qua cũng lên tiếng xác nhận phái bộ này đã bị đóng cửa.

Động thái của Mỹ, theo giới quan sát, cho thấy chính quyền ông Trump công khai ủng hộ Israel - đồng minh quan trọng của nước này. Chính ông Bolton cũng khẳng định: “Mỹ sẽ luôn luôn ở bên Israel - người bạn và là đồng minh của Mỹ”.

Tổng thư ký PLO nhận định Mỹ đang tiến hành chính sách trừng phạt tập thể nhằm vào người dân Palestine. Trước đó, Mỹ tuyên bố cắt gói hỗ trợ tài chính cho các hoạt động hỗ trợ người tị nạn Palestine, gồm cả hỗ trợ y tế và giáo dục - chương trình do Cơ quan Liên Hiệp Quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) tổ chức. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đã chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho Palestine.

Mỹ đóng cửa phái bộ ngoại giao Palestine nhằm buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán với Israel. Tuy nhiên, tổng thư ký PLO cho biết Nhà Trắng không thể ngăn Palestine kiện Israel ra ICC. Vị này nhấn mạnh rằng “các quyền con người của người dân Palestine không phải để mang ra mua bán” và người dân Palestine cũng không đầu hàng trước các mối đe dọa của Mỹ. Trước đó Palestine đưa ra các bằng chứng mà theo họ là “không thể chối cãi” và hối thúc ICC tiến hành một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Israel ở Palestine hồi tháng 5.

Mỹ hồi năm 2002 đã không phê chuẩn Quy chế Rome về việc thành lập ICC vào năm 2002. Tổng thống khi đó là ông George W. Bush đã lên tiếng phản đối việc thành lập tòa án. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã có một số nỗ lực để hợp tác với ICC. Trong khi đó, Israel không phải là một trong 123 thành viên của ICC nhưng tòa này có thể ra hình phạt với các công dân và tổ chức của nước này vì hành vi phạm tội trên đất Palestine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm